Đủ chiêu bị đơn làm khó tòa

Năm 2012, anh LMH khởi kiện yêu cầu TAND một quận ở TP.HCM buộc bà LHK phải trả 200 triệu đồng nợ gốc và lãi theo giấy vay mượn nợ giữa hai bên.

Liên tục đổi người đại diện, dọa tự tử…

Vụ kiện này đến nay vẫn chưa thể đưa ra xét xử bởi bà K. luôn viện lý do sức khỏe yếu, bận rộn để không đến tòa làm việc. Mỗi khi thư ký tòa tìm cách liên lạc thì bà từ chối gặp. Sau đó bà K. ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Khi nào tòa gọi thì bà yêu cầu làm việc với người đại diện. Khổ một nỗi bà K. đã liên tục thay đổi đến… năm người đại diện, làm tòa mệt mỏi với các khâu tống đạt văn bản, triệu tập lấy lời khai, tổ chức hòa giải.

Năm 2012, TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) thụ lý vụ ông D. kiện ông K. tranh chấp chia tài sản thừa kế. Quá trình tòa làm việc, ông K. luôn có thái độ gay gắt với thẩm phán, thư ký tòa. Ông còn lên gặp lãnh đạo tòa khiếu nại rất nhiều chuyện. Khi việc định giá tài sản lần đầu được tiến hành, ông K. đã không cho hội đồng định giá vào làm việc, dọa sẽ tự tử khiến buổi định giá phải hoãn. Đến lần định giá tài sản thứ hai, ông không dọa tự tử nữa nhưng khóa cửa bỏ đi khiến việc định giá không thể tiến hành.

Một thẩm phán chuyên xử án dân sự ở TP.HCM cho biết một khi bị đơn muốn đối phó thì có đủ các chiêu, từ không đến tòa theo giấy triệu tập, liên tục đổi người đại diện đến giả ốm, biến mất khỏi nơi cư trú, vờ bị bệnh tâm thần... Nhiều vụ bị đơn đổi chỗ ở liên tục nhằm buộc tòa này phải chuyển hồ sơ sang tòa khác thụ lý lại từ đầu. Không ít vụ bị đơn đến tòa nhưng không xuất trình chứng cứ, hoặc chỉ xuất trình những chứng cứ có lợi cho mình, cố tình khai nhiều tình tiết rối tung rối mù.

Những động thái đối phó của phía bị đơn không chỉ làm các cấp tòa mệt mỏi mà còn xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên đương sự khác. Nhiều vụ án đã không được giải quyết đúng thời hạn, bị hủy hay xử đi xử lại nhiều lần do tòa không thể thẩm định, định giá tài sản tranh chấp... vì bị đơn bất hợp tác.

Muốn phạt: Chờ quy định chi tiết

Chương 32 BLTTDS năm 2005 quy định về việc tòa xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Đó là các hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, vi phạm nội quy phiên tòa, không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ… Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (cũ) và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng có quy định chung về thẩm quyền xử lý vi phạm của tòa.

Tuy nhiên, chưa có tòa nào ra quyết định phạt hành chính đối với bất cứ hành vi nào cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Bởi lẽ thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt… đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong khi đó, pháp lệnh về vấn đề này hiện vẫn còn đang trong giai đoạn dự thảo. Mặt khác, hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Chương 32 BLTTDS hay hướng dẫn thi hành quy định về thẩm quyền xử phạt của tòa trong pháp luật hành chính.

Ngoài ra theo các thẩm phán, việc nhiều, ai cũng có tâm lý chỉ muốn giải quyết án xong đúng quy định. Nếu cảnh cáo, phạt tiền… đối với bị đơn thì sẽ làm gia tăng tính căng thẳng trong vụ án. Họ sẽ tiếp tục thiếu hợp tác làm việc giải quyết án càng khó khăn hơn.

HOÀNG YẾN

 

Xem lại khâu tống đạt

Việc đương sự không chấp hành triệu tập của tòa ngoài nguyên nhân cố tình chây ỳ thì còn có một phần xuất phát từ phía tòa khi tống đạt. Một số trường hợp tòa chưa tuân thủ nghiêm quy định như nhờ đương sự khác đưa giấy giúp hoặc gửi qua bưu điện, không cần biết kết quả ra sao. Vậy làm sao đảm bảo đương sự có nhận được giấy triệu tập hay không.

Luật sư TRẦN ĐỨC PHƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Gây rối “ngoài phiên tòa” thì sao?

Nghị định 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) chỉ quy định về hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa. Vậy các hành vi gây rối trật tự ngoài phiên tòa nhưng nằm trong quá trình tố tụng (hòa giải, đối chất, thẩm định…) thì sao? Đây cũng là vấn đề cần bổ sung quy định để trả lại sự tôn nghiêm của chốn pháp đình.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm