Đủ kiểu trả thù người tố cáo tham nhũng

Hành vi trả thù người tố cáo tham nhũng ngày càng tinh vi trong khi những quy định về bảo vệ người tố cáo còn chung chung, mang tính nguyên tắc và nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Nhiều ý kiến nhận định như trên tại hội thảo quốc tế về bảo vệ người chống tham nhũng do Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ PCTN) tổ chức ngày 3-11 tại Hà Nội.

Không dám tố vì sợ…

Theo ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng BCĐ PCTN, hiện không ít người tố cáo tham nhũng đã và đang bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức. Các hành động trả thù phổ biến mà người tố cáo và thân nhân của họ phải chịu là bị đánh trọng thương, bị sa thải, đuổi việc, khủng bố tinh thần… Thậm chí có người còn bị giết hại. Những cán bộ của cơ quan PCTN cũng chịu những áp lực này.

Đồng tình, ông Đoàn Kim Thắng (Viện Xã hội học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết qua điều tra dư luận về công tác PCTN năm 2010 và 2011, có hơn 53% số người tố giác tham nhũng bị trù dập. Nhiều người được tuyên dương, khen thưởng nhưng sau đó vẫn nơm nớp lo sợ.

Một buổi tuyên dương, khen thưởng trong thành tích phòng, chống tham nhũng tại TP Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Đình Trung, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh Bình Thuận về PCTN, thông tin: Số vụ việc tham nhũng được phát hiện xử lý trong năm năm qua ở Bình Thuận qua đơn thư phản ánh chiếm tỉ lệ rất thấp (chỉ hơn 14%). Nguyên nhân là do người tham nhũng là người có chức vụ quyền hạn nên hình thức trả thù rất tinh vi, không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.

Quy định rõ những biện pháp bảo vệ

Ông Jairro Acuna Alfaro, cố vấn chính sách của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho biết theo một nghiên cứu tại Việt Nam vào năm 2005, trên 85% cán bộ, công chức và gần 80% người làm trong doanh nghiệp khi được hỏi đều trả lời rằng họ không quan tâm đến tố cáo tham nhũng vì sợ bị trù dập.

Theo ông Lân, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại tố cáo hay một số luật khác đều có quy định để bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, quy định chưa được cụ thể chi tiết nên việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, người tố cáo tham nhũng chưa được bảo vệ đúng mức. “Phải cụ thể hóa những quy định hiện nay, ban hành chi tiết những quy trình, quy chế để việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Nghị định hướng dẫn Luật Tố cáo tới đây sẽ có chương riêng để bảo vệ người tố cáo. Cạnh đó, khi phát hiện tham nhũng phải xử lý thật nhanh (thậm chí cách ly khỏi xã hội như một số nước đã làm) để những người bị tố cáo không có cơ hội trả thù” - ông Lân nói.

Một số người tố cáo bị trả thù gần đây

- Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức bí thư và miễn nhiệm chức chủ tịch vì tích cực đấu tranh PCTN.

- Nhà báo Phạm Thị Thanh Hương đấu tranh với những việc làm sai trái của một số cá nhân trong cơ quan, bị lãnh đạo cho thôi việc, thu thẻ nhà báo.

- Bà Nguyễn Thị Hòa ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội tố cáo sai phạm của một số cán bộ trong việc thực hiện dự án quanh Hồ Tây nên liên tục bị gọi điện thoại khủng bố, con cái bị chặn xe, dọa nạt. Nhà thì bị đổ phân, ném chuột chết, mìn…

_____________________________________

Ở Mỹ có tới 25 văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, quy trình tố cáo rất dễ dàng, công khai trên mạng. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân thân và họ còn được hưởng một tỉ lệ nhất định từ số tiền thu được của vụ án tham nhũng đó.

MONICA BICKERT, thẩm phán Chicago, Mỹ

Việt Nam cần có cơ chế bảo trợ xã hội cho người tố cáo vì họ đã hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ lợi ích chung. Không nên coi việc tố cáo sai là phạm luật hình sự mà nên xây dựng quy chế thông tin chặt chẽ để hạn chế.

Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế ở Hungari

THANH LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới