(Argentina được thế giới biết đến từ ngôi á quân World Cup 1930, nhưng họ chỉ thực sự lớn mạnh từ thời Mario Kempes với chức vô địch thế giới năm 1978. Bóng đá Đức nổi lên từ chức vô địch năm 1954 với ngôi sao tài ba Walter Fritz. Và hai nền bóng đá này chính thức đối đầu nhau từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Dưới sự dẫn dắt của Maradona vĩ đại, Argentina đã đánh bại người Đức 3-2 ở trận chung kết Mexico 1986 đầy cảm xúc, nghẹt thở. Cả thế giới ca tụng Diego thần thánh, còn người Đức thất bại và bị dư luận dè bỉu bởi lối chơi thực dụng và đối địch với bóng đá đẹp.
4 năm sau tại Italia 1990, người Đức với phong cách đó đã chiến thắng Argentina 1-0 ở trận chung kết, khi Andreas Brehme ghi bàn thắng duy nhất sau quả 11m đầy tranh cãi. Maradona đã khóc vì thất bại cay đắng đó, bởi đội bóng của anh đã thua một người Đức lạnh lùng, sắt đá và thực dụng.
Kể từ lần đó, Đức luôn là khắc tinh của Argentina và trong cả hai lần giáp mặt nhau ở tứ kết World Cup 2006 và 2010, Argentina đều là kẻ thất bại. Cái dớp thất bại trước người Đức khiến Argentina bị sức ép tâm lý và không phải ngẫu nhiến khi ở giải đấu không phải đụng đối thủ này sớm, họ đã có mặt ở một trận chung kết World Cup.
Dù luôn chiến thắng, nhưng Đức cũng không thể xem thường Argentina bởi ký ức năm 1986 vẫn khiến họ cảm thấy đau đớn. Argentina năm nay có Lionel Messi, hiện thân của Maradona thuở nào nên kể cả khi đang sở hữu đội hình rất mạnh, “Cỗ xe tăng” không thể xem thường đối thủ Nam Mỹ.
Chặng đường đến trận chung kết tại Maracana của Argentina khá gian nan, nhưng họ đã “quét sạch” cả ba đại diện châu Âu là Thụy Sỹ, Bỉ, Hà Lan để đến trận đấu cuối cùng. Cửa ải cuối cùng của họ là người Đức, đối thủ mạnh nhất và cũng là thử thách gian nan nhất, nhưng không có nghĩa là không thể vượt qua.
Ở một kỳ World Cup mà bóng đá châu Mỹ đã thống trị tuyệt đối ở vòng 1/8, nhưng cuối cùng chỉ Argentina vào đến trận cuối cùng. Đức đã chứng tỏ vị thế của châu Âu bằng thắng lợi 7-1 oai hùng trước chủ nhà Brazil, đồng thời tỏ ra quyết tâm sẽ xóa đi cái dớp không đội tuyển châu Âu nào giành chức vô địch khi giải đấu tổ chức ở châu Mỹ.
Trong 6 lần đối đầu nhau ở các kỳ World Cup, Đức thắng đến 4, hòa 1 và thua 1. Hai lần trong số đó là trận chung kết các năm 1986 và 1990. Đức cũng đã một lần chiến thắng trên chấm 11m, đó là ở tứ kết năm 2006, giải đấu họ là chủ nhà còn Argentina có lực lượng mạnh nhất giải.
Ký ức về hai trận tứ kết World Cup gần đây nhất mãi in sâu trong ký ức cầu thủ hai đội. Năm 2006, những Mascherano, Maxi Rodriguez, Demichelis không thể quên được nỗi đau khi bại dưới tay Lahm, Schweinsteiger, Klose trên chấm 11m định mệnh. Messi còn đau đớn hơn khi anh phải ngồi trên ghế dự bị nhìn các đồng đội thất bại.
Tại Nam Phi năm 2010, Messi cùng Tevez, Higuain, Mascherano, Garay, Di Maria, Rojo, Zabaleta bất lực trước Đức với những Klose, Oezil, Mueller, Lahm, Podolski rồi nhận thất bại 0-4. Đó là trận thua ê chề nhất của người Argentina trong lịch sử World Cup, khiến khát khao phục hận của họ càng mãnh liệt hơn.
So với 4 năm trước, đội hình hai đội không có nhiều thay đổi. Đức bổ sung thêm Toni Kroos, Hummels còn Argentina vẫn là lứa cầu thủ thất trận trên đất Nam Phi. Nhưng phong cách của hai đội đã thay đổi, nếu như Argentina càng thực dụng hóa dưới thời Sabella thì Đức lại ưa chuộng lối chơi tấn công quyến rũ, đẹp mắt.
Trong một cuộc đấu sinh tử, sự biến hóa trong lối chơi là điều cả hai đội tính đến nhưng chắc chắn, trận chung kết Đức-Argentina đêm 13/7 tới sẽ diễn ra cân bằng, hấp dẫn và cực kỳ khó đoán. Lionel Messi chờ thời khắc làm nên lịch sử, còn Đức cũng khao khát đăng quang với lứa cầu thủ xuất chúng nhất trong 20 năm trở lại đây.
Argentina đợi 28 năm cho giấc mơ vô địch còn Đức chờ 24 năm để hưởng khoảnh khắc trên đỉnh thế giới. Vinh quang của hai đội tuyển trong quá khứ gắn liên với trận thắng trước chính đối thủ ở chung kết và đêm 13/7 tới đây, họ sẽ lại bước vào trận chung kết World Cup lần thứ ba trong lịch sử, một cuộc đấu để đời, giàu cảm xúc vì giấc mơ vinh quang, cũng như danh dự, niềm kiêu hãnh của hai nền bóng đá hàng đầu thế giới.
Theo Kim Anh (Dân trí)