Ngày 29-11 vừa qua, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bóng gió về mối liên hệ giữa Nga và vụ tấn công mạng nhắm vào tập đoàn viễn thông hàng đầu nước Đức Duetsche Telecom. Vụ tấn công mạng đã ảnh hưởng đến gần 900.000 khách hàng của tập đoàn này vào ngày 27-11.
“Các cuộc tấn công mạng này, hay còn được biết đến là các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp trong học thuyết an ninh mới của Nga, giờ đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày, và chúng ta cần phải học cách sống chung với chúng” - bà Merkel phát biểu vào ngày 29-11 về vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, bà Merkel cũng nói thêm rằng các thủ phạm hiện vẫn chưa được xác định, theo trang tin RT.
Trong khi đó, ông Arne Schönbohm, lãnh đạo của Văn phòng Liên bang về an ninh thông tin, cho biết vụ tấn công có sự xuất hiện của virus máy tính Mirai, được nghi ngờ phát triển bởi nhóm tin tặc Nga Sofacy, theo tờ Tagesspigel. Loại virus máy tính này từng được các cơ quan an ninh biết đến trong vụ tấn công mạng năm 2015 nhắm vào quốc hội Đức, theo RT.
Lãnh đạo Văn phòng Liên bang về an ninh thông tin (BND) của Đức tuyên bố đã thu thập bằng chứng các cuộc tấn công mạng từ Nga châm ngòi bất ổn chính trị. Ảnh: Reuters
Đây không phải là lần đầu tiên bà Merkel nói bóng gió về nguy cơ an ninh mạng đến từ nước Nga. Vào đầu tháng 11-2016, bà từng phát biểu việc đối phó với “các vụ tấn công mạng xuất phát từ Nga hoặc các tin giả chứa thông tin sai lệch” đã trở thành “một nhiệm vụ thường nhật” của các cơ quan an ninh Đức. Bà cũng từng cho biết các hoạt động này “sẽ đóng vai trò nhất định trong cuộc bầu cử”.
Ông Bruno Kahl, lãnh đạo mới của Cơ quan an ninh đối ngoại Đức (BND), cũng đưa ra những lo ngại tương tự bà Merkel trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sueddeutsche Zeitung, tờ báo nổi tiếng với việc công bố “Tài liệu Panama” vừa qua.
Ông Bruno Kahl khẳng định đã thu thập được chứng cứ cho thấy có yếu tố Nga tác động lên các lá phiếu trong kỳ bầu cử Mỹ năm 2016. “Chúng tôi có chứng cứ cho thấy có các cuộc tấn công mạng nhằm mục đích châm ngòi bất ổn chính trị” - ông Kahl cho biết. “Châu Âu và cụ thể là nước Đức đang là mục tiêu của các hoạt động này”.
Nga đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng chúng hoàn toàn vô căn cứ và khẳng định nước Nga không có lợi ích gì đề tác động lên cuộc bầu cử Mỹ hoặc lựa chọn chính trị của bất kỳ nước nào khác. Ông Kahl cũng thừa nhận với tờ Sueddeutsche Zeitung khó có thể tìm ra được mối liên hệ giữa tin tặc và chính phủ.
BND từng bị “người thổi còi” Edward Snowden phanh phui về mối quan hệ với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Tình báo quốc gia Mỹ (CIA), tiến hành các hoạt động nghe lén tại châu Âu. Snowden cũng cáo buộc BND hỗ trợ các cơ quan tình báo Mỹ xâm nhập email và điện thoại của nhiều chính trị gia và công ty tại châu ÂU. Cơ quan của Đức đã bác bỏ những cáo buộc này.