Bề ngoài và lối sống của Đức Thịnh có vẻ giống một công chức văn phòng, hay đơn giản là một giảng viên mô phạm hơn là một diễn viên hay đạo diễn. Nếu cách đây 13 năm anh tiếp tục theo học trường Trung cấp kinh tế đối ngoại thay vì chuyển hướng sang diễn viên thì mọi chuyện đã khác.
Nghệ sĩ Đức Thịnh. |
Hóm hỉnh, Đức Thịnh kể về ngày đó: “Lúc đầu hăng hái lắm, ngồi ngay bàn đầu, rồi dần dần càng lùi về phía sau, bàn hai, bàn ba rồi … bàn cuối. Cho đến một hôm, thấy mình nghỉ học quá nhiều thì bỏ luôn, nghe lời bạn sang trường Sân khấu điện ảnh thi diễn viên.”
May là… đỗ diễn viên, lúc đó mới báo về gia đình, mọi người cũng ủng hộ. Nhà có 12 anh chị nên kinh tế cũng chẳng dư giả gì. Vào trường, ngoài số tiền nộp học phí thì “cậu út” Đức Thịnh chỉ có vài ba bộ quần áo lôi thôi và chiếc xe đạp làm phương tiện tới trường. Tự ti, sống khép kín trước đám bạn được đầu tư kỹ càng về mặt hình thức nhưng bù lại, anh có năng khiếu. Suốt 3 năm học trong trường, Đức Thịnh chuyên vào vai chính kịch và được đánh giá khá tốt. Cứ đơn giản nghĩ rằng, khi mình tốt nghiệp, sẽ có một sân khấu kịch nào đó nhận về.
Vậy mà anh thất nghiệp suốt ba năm trời. Phải cùng bạn bè lập nhóm hài gồm Đức Thịnh - Thái Hoà - Khoa Nam đi tấu hài ở khắp các tụ điểm ở Sài Gòn để kiếm sống. Nhưng chính quãng thời gian này lại cho anh được nhiều thứ, có thêm đồng ra đồng vào, có va chạm cuốc sống, ý thức về nghề nghiệp cũng như rèn cho mình độ nhanh nhạy về nghề diễn. Một anh sinh viên Đức Thịnh “chính kịch” được thay thế bằng một diễn viên Đức Thịnh có thể vào nhiều thể loại vai và rất có duyên hài, một thể loại “đắt sô” tại Sài Gòn.
Anh vẫn nhớ ngày đầu đến sân khấu kịch Phú Nhuận thử vai, lúc đó Thái Hoà đã về trước và giới thiệu anh với “bà bầu” Hồng Vân. Năm phút để diễn cảnh một anh chàng vào mua tranh, là thử thách đầu tiên Hồng Vân giao cho anh. “Đây là cơ hội của mình, nếu không vượt qua được, mãi mãi mình vẫn ở cánh cửa phía bên kia”, anh đã luôn tự nhủ mình như thế. Và 5 phút mua tranh khiến anh chiếm được cảm tình của “bà chủ sân khấu kịch Phú Nhuận”, phần thưởng cho anh là vai giang hồ Nhân Lì, vai chính trong vở kịch Ngõ tình. Đó là bước khởi đầu thuận lợi cho một Đức Thịnh diễn viên trong hàng loạt các vở kịch cũng như các bộ phim truyền hình mà anh tham gia và được khán giả đón nhận.
Mê toán học, giỏi nhất là môn hình học không gian, bộ môn cần sự tưởng tượng, bao quát mà anh cho đó là điểm khởi đầu cho ý thích làm đạo diễn của mình. Suốt ba năm học diễn viên, anh thường tự dựng vở cho mình, đôi lúc các thầy cô còn đùa: “nó là một đạo diễn đang diễn xuất chứ không phải diễn viên”. Ý định manh nha từ đó, khi cảm giác dàn dựng “say” hơn cảm giác diễn. Nhưng còn quá nhiều điều khiến anh chưa thể chạm tới nó.
Mãi đến năm 2004, sau 3 năm đầu quân cho sân khấu kịch Phú Nhuận anh mới bắt đầu dự vở kịch đầu tiên: Sâm đắng, sâm ngọt. Cái tên đạo diễn Đức Thịnh với vở kịch đầu tay lọt thỏm trong sự sôi động vốn có của sân khấu Sài Gòn. Câu chuyện của anh kể về một cậu sinh viên trượt đại học phải đi bán sâm còn non nớt, chân thật nhưng cũng có sự dễ thương của một “cậu sinh viên đạo diễn”.
Chính vì vậy, vở kịch thứ hai tiếp tục được giao cho anh: Người đàn ông của trời, một hiện tượng năm 2004. Bắt đầu từ đây, cụm từ “đạo diễn” bắt đầu gắn với cái tên Đức Thịnh qua hàng loạt thành công của các vở kịch như Em và ngôi sao, Chuyện tình mùa thu, Cánh đồng gió….Giải đạo diễn trẻ, giải kịch xuất sắc nhất, giải Mai vàng cũng bắt đầu tìm đến với anh. Người ta bắt đầu nhắc tới tên anh với tư cách là đạo diễn sân khấu thế hệ thứ tư thành công….
Lý giải sự thành công của mình, Đức Thịnh tâm sự: “Khi mà tất cả đang hướng tới những vở kịch hài hước, gây cười, tôi chọn kịch tình yêu bởi lãng mạn cũng là điều con người luôn muốn tìm đến trong nhịp sống hối hả này. Câu chuyện của tôi thường không chua chát, không lên lớp dạy đời, chỉ là cuộc sống hàng ngày được mỹ hoá bằng vẻ đẹp sân khấu….”.
Và bây giờ, Đức Thịnh lại muốn tạm quên hình ảnh của mình phía sau cánh gà để bước vào một cánh cửa mới: Đạo diễn phim. Anh tâm sự: “Khi cảm giác được thời cơ tới gần, mình phải nắm bắt ngay lấy cơ hội. Trong sân khấu, tôi cảm thấy hơi thở điện ảnh gần ngay bên khi tôi dàn dựng cảnh biển đêm với những cánh cò giấy màu trắng, chất xinê tràn ngập. Tôi nghĩ, mình phải tìm đến nó để được thoải mái sáng tạo, thoả mãn khát khao hơn…”. Cái khó nhất là làm sao nói với chị Hồng Vân, người đã giúp đỡ anh rất nhiều khi về sân khấu kịch Phú Nhuận. Đó là việc làm đầu tiên nếu anh muốn bước qua cánh cửa tiếp theo.
Chủ đề tình yêu vẫn là đề tài mà anh theo đuổi khi tiếp tục chinh phục con đường trở thành đạo diễn phim. Tất nhiên, để làm đạo diễn sân khấu, anh cũng phải bắt đầu từ diễn viên, rồi đi học…..Hiện tại, anh cũng đang tham gia khoá học đạo diễn điện ảnh, bắt đầu tham gia vào môi trường của truyền hình với những vai diễn, với những công việc phía hậu trường của một đoàn làm phim.
Vợ chồng Thanh Thuý, Đức Thịnh. |
Love bus là chương trình truyền hình đầu tiên anh nhận lời tham gia với tư cách là đạo diễn. Đây là một show game có tính cộng đồng cao, rất ngẫu hứng, fomat của Nhật Bản được công ty MCV mua bản quyền sản xuất và sẽ phát sóng trên HTV7. Những chàng trai, cô gái, họ có thể là người vừa đổ vỡ tình cảm, là người đang khao khát gặp một người để có thể yêu, hoặc đơn giản là người độc thân muốn khám phá cuộc sống…
Tất cả, cùng ê kip làm phim đồng hành trên chiếc xe bus rong ruổi khắp đất nước, ống kính máy quay ghi lại từng khoảnh khắc của từng người để rồi biết, ai sẽ yêu ai…Họ sẽ rời chuyến xe nếu cả hai yêu nhau, tỏ tình thành công và nhường chỗ cho những cặp đôi khác. Một chương trình rất thú vị. Sẽ có nhiều đạo diễn tham gia, mỗi người phụ trách một quãng đường và Đức Thịnh là cái tên đầu tiên trong chuyến hành trình đó….
Đức Thịnh cười khi nhắc tới chuyện tình yêu của mình. Là người sống khép kín nhưng khi gặp Thuý, bản thân anh cũng thay đổi và khi tình yêu chín mùi, niềm hạnh phúc đó khó có thể kìm hãm. Trong câu chuyện của anh, về dự án phim đầu tay cũng có gương mặt vợ trong đó, như một sự bảo chứng cho tình yêu, cho sự nghiệp của mình.
Anh thừa nhận mình…mê gái. Suốt ba năm học đại học, các cô gái anh để ý đều phải là người sâu sắc, sống khép kín giống như anh. Cô gái mà anh yêu suốt 6 năm trời trước khi đến với Thuý cũng là mẫu người như vậy. Cô ấy đến khi anh chưa có gì, chưa là gì và có sức ảnh hưởng lớn đối với anh. Lúc đó, anh và Thuý bên nhau nhưng không nhận ra nhau. Đơn giản, anh ghét những cô gái sôi nổi như Thuý bởi “ngồi nói chuyện nửa tiếng mà điện thoại reng reng suốt, rất là bực mình…”. Ấy thế mà, “ghét của nào trời trao của nấy”…
Dựng vở Chuyện tình mùa thu bắt đầu để ý đến nhau dù cãi nhau ỏm tỏi. Em và ngôi sao thì chính thức…yêu nhau. Đức Thịnh cũng nhát, phải chờ đến khi một chị nhà báo làm người bật hộ đèn xanh, bắn tin rằng Thuý có vẻ thích anh, nói nhiều về anh, mới can đảm tìm gặp cô ấy để…tỏ tình. May quá, Thuý chấp nhận, thế là nên duyên vợ, nên chồng.
Đơn giản, trong mắt Thuý, anh là một người chỉn chu, có ý chí cầu tiến, là chỗ dựa vững chắc cho một người đàn bà dựa vào. Điều đó cũng hợp lý khi cả hai vợ chồng là nghệ sĩ, bấp bênh cả về thời gian lẫn sự thăng bằng sau mỗi vai diễn. Điều cần nhất là sự bình yên, vững vàng của một gia đình.
Anh tâm sự: “Sự thoả mãn trong nghệ thuật của tôi rất lớn, chỉ một sơ xuất nhỏ là khiến tôi ấm ức cả ngày, mất ngủ hằng đêm…Nỗi buồn duy nhất là tự dằn vặt mình sau những trục trặc tưởng chừng rất nhỏ đó” .
Theo Thế Giới Điện Ảnh