Ở buổi thảo luận về dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Quốc hội ngày 23-5, các đại biểu (ĐB) đã tranh luận gay gắt về những điều luật liên quan đến hạn chế quảng cáo, sản xuất, mua bán và sử dụng rượu, bia.
Bia nằm trong “vùng trắng an toàn”
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), người đã có bài phát biểu rất thuyết phục về dự luật này tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018, là một trong những ĐB đăng đàn đầu tiên. Ông nhận xét các vấn đề đặt ra tại kỳ họp thứ 6 về dự luật này tuy đã được giải trình nhưng chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cũng đồng tình dự luật không còn vững vàng khi sự cứng rắn của nó gần như bị mất đi so với dự thảo trước đó. Đề cập sơ qua đến các vụ việc thương tâm, nhức nhối từ tai nạn, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục do tác hại của rượu, bia gây ra, ĐB Hiền nói: “Xin được nhắc lại như vậy để chúng ta cùng thống nhất quan điểm, hướng tới mục tiêu cuối cùng của dự án luật là phòng, chống tác hại của rượu, bia”.
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cũng “xin đại diện cho những người hay uống rượu, được mời rượu” bày tỏ: “Uống rượu, bia ảnh hưởng đến sức khỏe con người và mất tư cách con người, có những hành vi có thể ảnh hưởng đến gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội. Rượu, bia có từ lâu đời nhưng đến lúc chúng ta phải có hành lang pháp lý để điều chỉnh, quản lý và kiểm soát vấn đề uống rượu, bia trong đời sống xã hội, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Theo ĐB Hiền, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn 4,2%-5%. Vì vậy, bà đề nghị phải quy định cấm quảng cáo bia có độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần điều chỉnh lại từ 18 giờ đến 21 giờ. Bởi 19-20 giờ là thời gian diễn ra chương trình thời sự, hầu như không có quảng cáo.
Đồng tình, ĐB Phạm Trọng Nhân nhận định: Quy định cấm quảng cáo bia từ 15 độ trở lên cũng bị thay bằng hình thức nhẹ nhàng hơn là quản lý việc khuyến mãi bia dưới 5,5 độ cồn. Dự luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trong các chương trình hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh.
Theo ĐB Nhân, như vậy bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được phép quảng cáo trong các chương trình trên và chỉ bị hạn chế quảng cáo từ 19 đến 20 giờ trên báo nói và báo hình. Thực tế khung giờ trên không phải khung giờ vàng của các chương trình mà dự thảo luật quy định.
“Do đó, bia dưới 5,5 độ cồn hiện bao phủ toàn bộ thị trường. Không biết vô tình hay hữu ý, bia dưới 5,5 độ cồn nghiễm nhiên lại được nằm trong vùng trắng an toàn trong hoạt động quảng cáo” - ông Nhân nói. Ông chốt lại vấn đề rằng: “Đừng để đạo luật đầy tính nhân văn trở thành công cụ bảo đảm ngôi vương trong tiêu thụ rượu, bia và thúc đẩy tái nghèo bền vững của quốc gia”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) và đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện sắc sảo tại buổi thảo luận. Ảnh: PV
Bảo vệ trẻ em khỏi không gian mạng có bia
ĐB Hiền cho rằng: Nghị định 105/2017 đã hạn chế trẻ em mua rượu, bia và cấm bán rượu, bia trên 15% độ cồn trên Internet nhưng dự luật lần này lại không cấm. Bà đề nghị phải có tính kế thừa quy định này.
“Các nước phát triển với mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn còn lúng túng trong việc kiểm soát độ tuổi khi mua hàng, kiểm soát khi nhận hàng trong khi rượu, bia là hàng hóa có nguy cơ gây nghiện và hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, ta cần tạo ra rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo cơ hội, tăng tính sẵn có của rượu, bia cho người tiêu dùng và trẻ em vị thành niên, phụ nữ” - ĐB Hiền nói.
ĐB Nhân cho rằng độ tuổi tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì việc bỏ chế định trên có phải là “vẽ đường cho hươu chạy” hay không. ĐB Nhân đặt vấn đề: “Vừa cho rằng nguồn lực hiện có chưa đảm bảo lại vừa cho phép bán rượu, bia trên Internet trong khi biện pháp kiểm soát thì không cụ thể thì hiểu đây là sự mâu thuẫn, sự cài cắm hay thiếu sót đầy chủ ý về kỹ thuật lập pháp?”.
ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) nói rằng nhiều quy định thiếu tính khả thi. “Các hành vi bị nghiêm cấm, quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên, vậy dưới 15 độ cồn thì sao?” - ĐB Ksor H’Bơ Khăp đặt vấn đề.
Đề cập đến quy định cấm khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc khuyến mãi hoạt động kinh doanh rượu từ 15 độ cồn trở lên, ĐB Ksor H’Bơ Khăp cho rằng: Việc này chỉ tăng tính kích thích cho những người dưới 18 tuổi.
Nhiều ĐB khác cũng cho rằng cần phải kiểm soát chặt và nới rộng khung giờ quảng cáo đối với bia, rượu. Chẳng hạn, ĐB Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) sau khi nói về những hệ lụy do bia, rượu gây ra đã đòi hỏi cần phải có một luật đủ mạnh. ĐB Hằng còn đề nghị việc khuyến mãi bia, rượu cũng phải theo hướng chặt hơn. Đặc biệt, quy định chặt chẽ với việc quảng cáo, bán rượu, bia trên Internet và phải cấm quảng cáo đến 21 giờ.
Nước hoa quả lên men làm trẻ em “lâng lâng” ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Trước kỳ họp, bà đã tiến hành khảo sát và thấy rằng có tới 70% trẻ em từ 12 đến 16 tuổi được khảo sát nói sau khi dùng đồ uống có cồn “thấy hơi lâng lâng, con thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh”. “Nhưng nguy hại ở chỗ gần 80% trẻ em đều lựa chọn có thể vẫn tiếp tục sử dụng vì giới thiệu, quảng cáo là nước trái cây có ga và nước hoa quả lên men” - ĐB Hiền nói và rất tiếc “đồ uống có cồn” chưa được đưa vào luật. Nên gọi là “Luật kiểm soát rượu, bia” ĐB Phạm Khánh Phong Lan sau khi bảo lưu ý kiến cần đặt lại tên gọi luật là “Luật kiểm soát rượu, bia” đã đề nghị các sản phẩm rượu, bia phải dán nhãn phụ, logo theo lộ trình. Các nhãn phụ có thể là “không dùng cho người dưới 18 tuổi” hay “đã uống thì không lái xe”. |