Sáng 23-5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
ĐB Ksor H'Bơ Khăp góp ý cho dự thảo luật.
ĐB Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai), cho rằng nên điều chỉnh lại quy định tính nồng độ cồn. “Vì có người chỉ một ly thôi cũng tắc thở rồi, nhưng có người một lít vẫn bình thường. Ví dụ, như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé tôi đã được uống rượu rồi, ở làng người ta cúng tôi phải uống, uống vào tôi bình thường không làm sao…”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Về việc khuyến mãi sử dụng rượu, bia theo ĐB Ksor H'Bơ Khăp việc này tăng kích thích cho người dưới 18 tuổi. Điển hình, một người vào các trang website, đặc biệt là các trang website “đen”, có hình ảnh và nội dung rất kích thích trí tò mò, kể cả người lớn chứ không chỉ trẻ em.
“Bao giờ website cũng có cái câu: “Bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”, và tôi chắc rằng từ người lớn tới trẻ em ai cũng nhấp vào “tôi đã đủ 18 tuổi”, và sau cái 18 tuổi đó là cái gì thì tôi tin rằng ở đây nhiều đại biểu đã có trải nghiệm đó…”, Vị ĐB Gia Lai dẫn chứng và cho rằng nếu muốn cấm thì cấm luôn quảng cáo, vì đưa hình người ung thư phổi lên bao bì thuốc lá như hiện nay không có ý nghĩa gì hết, nếu là người mù thì sao?
Nếu xác định quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh, thiếu niên thì theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), cần hai vấn đề, thứ nhất xác định số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Thứ hai kiểm soát nội dung quảng cáo để các em không bị nhầm tưởng rằng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.
Khi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 - 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay, có đến hơn 87% ý kiến các em không nhận thức được đâu là đồ uống có độ cồn từ 4,5% trở lên, 70% trẻ em khi được hỏi sau khi uống rượu bia trả lời rằng có cảm giác lâng lâng, chóng mặt, tim đập nhanh. Nhưng nguy hại ở chỗ gần 80% các em đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì nó được quảng cáo là nước trái cây có gas hay nước hoa quả lên men.
“Do vậy tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%, khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 giờ - 21 giờ...”, ĐB Hiền nói.
Trong khi đó, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bày tỏ sự thất vọng bởi các chế định được xem là xương sống của dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia như cấm quảng cáo bia, cấm bán rượu bia trên internet, quy định giờ cấm bán đã bị đẩy ra ngoài dự thảo. Làm cho các vấn đề đặt ra ở kỳ họp thứ 6 dù đã có giải trình nhưng chưa thỏa đáng.
“Các ĐB ngồi đây chắc đều đọc bốn bức tâm thư từ Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam, nhóm công tác về quyền trẻ em. Họ dày công nghiên cứu và khẩn thiết đề nghị cấm vì ai. Chúng ta sẽ rất đau khi nhận thấy sự giằng xé, đầy mâu thuẫn giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Một trong những quy định được đưa ra khỏi dự án Luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet….”, ĐB Nhân nói và cho rằng đừng để đạo Luật đầy tính nhân văn trở thành công cụ đảm bảo ngôi vương trong tiêu thụ rượu bia, thúc đẩy tái nghèo.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, cho biết mỗi năm có 30% số vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia, 70% các vụ vi phạm pháp luật, vi phạm hình sự có liên quan đến rượu bia. Một con số đáng giật mình là chi phí cho tiền mua rượu của người dân trong một năm là 4 tỉ USD. Mỗi năm nhà nước thu được 50 nghìn tỉ đồng thuế từ kinh doanh rượu bia, nhưng phải bỏ ra 65 nghìn tỉ đồng chi phí y tế và các hệ lụy khác. Do đó cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với tình trạng sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay.
“Tôi ủng hộ Quốc hội có Nghị quyết về hình thức xử lý, hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu bia. Hiện chế tài về xử lý hành vi lái xe uống rượu, bia chưa đủ sức răn đe. Do đó, nên quy định sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự. Tôi đã nghiên cứu pháp luật ở một số nước và họ quy định nếu sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm hình sự. Cho nên đến một lúc nào đó, xã hội phát triển, văn minh thì nên quy định sử rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là pháp luật hình sự". ĐB Sùng A Hồng (Điện Biên). |