Đúng sai chuyện thu tiền nhạc tivi khách sạn

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa có văn bản gửi đến các khách sạn tại Đà Nẵng thu tiền tác quyền âm nhạc được sử dụng tại khách sạn. Cụ thể, VCPMC đưa giá 25.000 đồng/phòng có tivi/năm. Việc thu tiền này là thu tiền nhạc phát từ các tivi trong phòng khách sạn. Điều làm các chủ khách sạn băn khoăn là họ đã đóng tiền truyền hình cáp hằng tháng thì không thể đóng tiền tác quyền cho từng đầu tivi như VCPMC thu.

Thu là đúng vì đã có quy định

Thực tế đây không phải vấn đề mới, từ nhiều năm trước nhiều khách sạn đã lên tiếng về việc này. Chỉ tính tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong năm 2013 có tất cả chỉ 8/230 cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn ở đây đóng khoản tiền này.

Và thời điểm đó ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam, đã có những chia sẻ về điều này. Cụ thể, theo ông Cẩn: “Trong việc sử dụng âm nhạc cho mục đích kinh doanh, các doanh nghiệp đã sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Còn đối với các đài phát thanh, truyền hình thì họ lại sử dụng quyền khác, đó là quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Đây là hai loại quyền khác nhau, tương ứng với hai hình thức sử dụng khác nhau.

Việc các khách sạn đã trả tiền cho truyền hình cáp chỉ là trả tiền thuê bao để sử dụng đường truyền phát sóng vệ tinh, đường truyền cáp của các đài, trong đó không bao gồm tác quyền âm nhạc. Hay nói chính xác là không bao gồm tiền sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Cho nên các khách sạn phải trả phí cho việc sử dụng này và VCPMC là đơn vị được nhạc sĩ ủy thác thu phí”.

Riêng về việc nhiều khách sạn cho rằng việc tivi trong phòng, khách đến xem kênh nào họ không quản lý được nên việc trả chi phí khách coi theo tivi là phi thực tế. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó ông Cẩn cũng đã cho rằng: “Đúng là việc xem kênh truyền hình nào tùy thuộc vào khách hàng và không ai có thể giám sát. Vậy nên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc trả tác quyền thuộc về nghĩa vụ của doanh nghiệp, của chủ đầu tư có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Hiện mức tác quyền sử dụng âm nhạc 25.000 đồng/phòng (sử dụng tivi)/năm là mức khoán gọn, áp dụng chung cho các khách sạn”.

Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Phước & Partners, khẳng định việc thu của VCPMC là đúng. Bởi “Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định rõ việc các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại thì không phải xin phép nhưng phải có trách nhiệm trả thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả… Đa phần các khách sạn đều có sử dụng âm nhạc để phát ở sảnh khách sạn hay ở các hành lang lối đi, do đó việc VCPMC yêu cầu các khách sạn đóng tiền tác quyền là không trái với quy định của Luật SHTT”.

Nhưng... sai căn cứ pháp lý

Điều duy nhất gây hiểu lầm ở đây bởi phần trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Đinh Trung Cẩn cho rằng: “Đa số khách sạn đều mở nhạc ở khu vực kinh doanh, phòng nghỉ thông qua tivi. Trên tivi còn có các kênh âm nhạc, chương trình truyền hình giải trí có sử dụng âm nhạc như chương trình game show, giới thiệu tác phẩm, tác giả... Đây là việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2006”.

Luật sư Lê Quang Vy cho rằng nếu VCPMC căn cứ vào Điều 33 Luật SHTT (quy định các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao, trong đó quy định rõ việc sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng… không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao - PV) thì hoàn toàn đủ căn cứ để thu phí nhưng căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật SHTT và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2006 là chưa hợp lý. "Bởi vì khách sạn không phải là đối tượng biểu diễn tác phẩm trước công chúng" - luật sư Vy nói.

"Khoản 1 Điều 23 Nghị định 100 quy định rõ: Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là quyền độc quyền của tác giả cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp (ví dụ diễn trên sân khấu) hay gián tiếp (thông qua thu băng, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Như vậy đối tượng biểu diễn chỉ có thể là ca sĩ hay nhạc công, chứ khách sạn thì làm sao biểu diễn được?! Ngoại trừ, nếu khách sạn là nơi tổ chức biểu diễn thì việc đóng phí bản quyền cho các tác giả sẽ tùy vào sự thỏa thuận giữa khách sạn và các nghệ sĩ biểu diễn trong một hợp đồng, theo đó sẽ ràng buộc bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả phí bản quyền tác giả cho chương trình biểu diễn này”.

Ông Đinh Trung Cẩn cũng viện dẫn thư của ông Ang Kwee Tiang, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC), cho việc thu phí ở khách sạn, nhà hàng.

Với viện dẫn này, luật sư Lê Quang Vy cũng lưu ý: “CISAC chỉ là tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả chứ không phải điều ước quốc tế nên mọi việc phải tuân thủ theo quy định của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia. CISAC chỉ là sự tham khảo thêm trong quá trình hoàn thiện các quy định mà thôi”.

Luật sư LÊ THỊ MAI HƯƠNG, Trưởng ban Pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - chi nhánh phía Nam:

Kiên quyết thực hiện quy định tác quyền

Để sử dụng các tác phẩm âm nhạc đúng theo quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, bao gồm việc sử dụng âm nhạc tại các quán cà phê, nhà hàng, bar, karaoke, khách sạn, siêu thị… phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả (theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật SHTT).

Hiện nay, VCPMC không chỉ là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc duy nhất tại Việt Nam mà còn là thành viên của liên minh quốc tế Hiệp hội Các nhà soạn nhạc và lời (CISAC). Vì vậy các tổ chức, cá nhân sử dụng nhạc nước ngoài, nhạc thính phòng phải liên hệ với VCPMC để xin phép và trả tiền cho các chủ sở hữu quyền tác giả. 

Cũng như tại Đà Nẵng hiện nay, công tác triển khai thực thi bảo hộ quyền tác giả tại TP.HCM và Hà Nội trước kia cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Thực hiện Chỉ thị số 36/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, VCPMC đã phối hợp với Sở VH-TT&DL/Sở VH&TT các tỉnh/TP và Phòng VHTT các quận/huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả âm nhạc cho các tổ chức, cá nhân có sử dụng âm nhạc trong kinh doanh. Bên cạnh đó VCPMC cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã nỗ lực vận động, thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các hộ cá thể có sử dụng âm nhạc thực hiện đúng quy định về quyền tác giả theo tiêu chí hài hòa lợi ích ba bên: Lợi ích của tác giả - lợi ích của người sử dụng - lợi ích của công chúng hưởng thụ. Không chỉ tại TP.HCM và Hà Nội, nhiều tỉnh/TP khác như Tiền Giang, Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa… đa phần người dân đã không còn thái độ “thờ ơ” với quyền tác giả như trước.

Đối với các trường hợp cố ý né tránh, vi phạm, VCPMC kiên quyết áp dụng một số biện pháp tự bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật. Hiện nay, VCPMC đã tăng cường phối hợp với thừa phát lại tiến hành lập vi bằng, thu thập bằng chứng bổ sung hồ sơ vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh né tránh không thực hiện quyền tác giả… HÒA BÌNH ghi

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm