Các học sinh trong một buổi tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Trần Huỳnh |
Bộ GD- ĐT vừa thông báo danh sách 681 ngành thuộc 147 trường CĐ trên cả nước không đảm bảo điều kiện để tiếp tục tuyển sinh với sai phạm chính là không tuyển được sinh viên trong ba năm liên tiếp hoặc không đảm bảo đội ngũ như yêu cầu về điều kiện mở ngành (tối thiểu bốn giảng viên trình độ thạc sĩ đúng ngành trở lên).
Theo đúng quy định, các ngành đào tạo không đảm bảo điều kiện sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Theo đó, có khoảng 300 ngành đào tạo CĐ ba năm liên tiếp không tuyển được sinh viên, hàng trăm ngành đào tạo không có giảng viên nào.
Nhiều trường đa số các ngành đào tạo đều không đảm bảo điều kiện như Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh có đến 13 ngành đào tạo, Trường CĐ Sư phạm Hà Nam có 19 ngành, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk có 18 ngành... không đảm bảo điều kiện hoặc không tuyển được sinh viên nhiều năm liên tiếp hoặc không đủ lực lượng giảng viên như yêu cầu tối thiểu.
Đặc biệt, trong danh sách Bộ GD-ĐT công bố, một số ngành đào tạo dù có sinh viên nhưng hiện lại không có giảng viên nào có trình độ ĐH trở lên đúng ngành đào tạo.
Ví dụ tại Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, ngành công nghệ thiết bị trường học có 23 sinh viên, tài chính- ngân hàng có 63 sinh viên, quản trị văn phòng có 73 sinh viên; tại Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM ngành nhiếp ảnh có 18 sinh viên nhưng theo chính báo cáo của các trường lại hoàn toàn không có giảng viên nào ở các ngành đào tạo này.
Trong danh sách, ngoài các ngành đào tạo trong các trường CĐ không bảo đảm điều kiện, cũng xuất hiện một số ngành đào tạo CĐ trong các trường CĐ thuộc ĐH vùng của ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên.
Tuy nhiên, tiếp nhận thông báo của Bộ GD-ĐT, nhiều trường CĐ cho rằng “bộ chưa hiểu hết đặc thù của các trường CĐ địa phương”.
Ông Nguyễn Ngọc Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh - cho biết trường đã có báo cáo lại về đội ngũ và nêu rõ đặc thù của trường CĐ sư phạm ở địa phương “không phải ngành nào năm nào cũng tuyển”.
“Việc tuyển sinh ở trường CĐ sư phạm như chúng tôi phụ thuộc nhu cầu của địa phương, do UBND tỉnh cấp kinh phí. Có những ngành đào tạo 3-4 năm mới quay trở lại tuyển sinh nên không có sinh viên, nhưng nếu vì thế mà bị dừng tuyển sinh thì chưa phù hợp với thực tế” - ông Lâm nói.
Trong khi đó TS Nguyễn Trọng Hòa - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk - cũng cho biết trường sẽ sớm có báo cáo bổ sung gửi Bộ GD-ĐT.
“Thực tế năm 2014 trường đã tuyển dụng mới 20 giảng viên và năm 2015 có thể sẽ tuyển dụng thêm đến 30 người, trong đó có một phần bù đắp cho lực lượng giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, một số ngành như sư phạm do nhu cầu của địa phương gần đây không có, thị trường lao động đã bão hòa nên trường không tuyển sinh được. Các ngành như sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc... có năm thông báo tuyển sinh nhưng không nhận được hồ sơ đăng ký dự thi nào. Ngay ngành sư phạm tiếng Anh cũng trở nên khó tuyển, trong khi đó ngành tiếng Anh (ngoài sư phạm) cũng đào tạo trong trường lại thu hút thí sinh vì vị trí việc làm sau này đa dạng hơn, các em có thể làm biên dịch, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch...”- ông Hòa nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết để đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường rà soát, đối chiếu lại dữ liệu của nhà trường để nếu cần có thể bổ sung các minh chứng về đội ngũ và tình hình tuyển sinh của nhà trường các năm qua.
“Với những trường hợp không có đủ minh chứng bổ sung thuyết phục, kiểm tra lại vẫn không đảm bảo điều kiện mở ngành hay không tuyển sinh được ba năm liên tiếp thì sẽ phải đình chỉ tuyển sinh đúng như tinh thần của thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ Bộ GD- ĐT đã ban hành”- ông Ga nhấn mạnh.