Tỉnh có thể đề xuất tổ chức cụm thi
Theo dự thảo quy chế mới nhất, Bộ GD&ĐT tổ chức cụm thi gồm: Cụm thi liên tỉnh cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh; cụm thi tỉnh tổ chức thi tại tỉnh cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cụm thi tỉnh chỉ được thành lập trong trường hợp có đề nghị của UBND tỉnh. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND tỉnh để đặt địa điểm thi phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh này.
Như vậy, thay vì những tỉnh khó khăn như trước đây mới được tổ chức cụm thi tỉnh để xét tốt nghiệp mà dự thảo quy chế mới UBND các tỉnh cứ có đề nghị sẽ được thành lập cụm thi tỉnh.
Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 15-4
Cũng theo dự thảo, thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh là trước ngày 15-4 hằng năm (thay vì trước ngày 1-4).
Điểm bài thi quy về thang điểm 10
Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; Đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ); Đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng; Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10. Vì vậy, khi chấm thi theo thang điểm 10 với điểm lẻ đến 0,25; không quy tròn điểm.
Điểm liệt là 1 điểm
Đáng chú ý, do có sự thay đổi theo thang điểm 10 cho nên việc xét công nhận tốt nghiệp cũng có sự điều chỉnh. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện được công nhận tốt nghiệp.
Trước đó, Bộ GD&ĐT cho biết quy chế được ban hành trước ngày 10-2.