Ngày 23-3, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đỗ Văn Trung (30 tuổi), sửa án sơ thẩm, chuyển hình phạt cho bị cáo từ khoản 2 xuống khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.
Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Trung ba năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tổng hợp chung với bản án của TAND TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, bị cáo phải chấp hành chung là 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Trung tại tòa phúc thẩm ngày 23-3. Ảnh: NN
Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ 50 ngày 18-1-2017, Đỗ Văn Trung (trình độ văn hóa lớp 1/12) chạy xe máy chở theo vợ là Lê Thị Bích Loan đến trước nhà trọ MK (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) phát hiện phòng trọ của anh TKT không khóa cửa. Trung xuống xe đi vào bên trong lấy một túi xách mang ra đưa cho vợ. Anh T. phát hiện cùng người dân truy đuổi nhưng không bắt được.
Trung kiểm tra túi xách có một sợi dây chuyền, một lắc tay, một đôi bông tai (cùng loại vàng Ý 18K) và tiền mặt 2 triệu đồng cùng giấy tờ cá nhân. Hôm sau vợ Trung đem số vàng trên đi bán được 14 triệu. Theo định giá, số vàng trên trị giá hơn 19 triệu.
Xử sơ thẩm vào tháng 12-2017, TAND quận Cái Răng áp dụng điểm c (tái phạm nguy hiểm), Khoản 2 Điều 138 BLHS xử phạt Trung ba năm sáu tháng tù; áp dụng khoản 1 Điều 138 BLHS xử phạt vợ Trung một năm sáu tháng tù cùng về tội trộm cắp tài sản.
TAND quận Cái Răng xác định Trung có tiền án hai lần vào các năm 2005 bị TAND quận Ninh Kiều xử phạt 6 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, chấp hành xong hình phạt đầu năm 2010. Năm 2013 bị TAND quận Ninh Kiều xử phạt hai năm tù về tội trộm cắp tài sản, chấp hành xong hình phạt năm 2015.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để sớm được về nhà chăm sóc con nhỏ. Chủ tọa hỏi bị cáo lý do chỉ có vậy hay còn gì nữa không?
Lúc này bị cáo mới thắc mắc, giá trị tài sản bị cáo trộm cắp được chỉ đáng xử ở khoản 1 (Điều 138) mà sao tòa lại xử bị cáo ở khoản 2? Vị chủ tọa nói do bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và dẫn chứng các lần bị cáo phạm tội trước đây như bản án sơ thẩm nêu. Đến đây bị cáo này cho rằng bản án ma túy bị cáo đã chấp hành thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích vì xảy ra từ năm 2005, lúc ấy bị cáo còn ở tuổi vị thành niên, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt… Sau đó vị chủ tọa nói thắc mắc của bị cáo sẽ được HĐXX xem xét khi vào nghị án.
Sau khi nghị án, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, chuyển khung hình phạt của bị cáo từ khoản 2 (có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm) xuống khoản 1 Điều 138 BLHS (có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm), giảm sáu tháng tù so với bản án sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo như trên.