Để nhận định về trận chung kết này có lẽ nên luận anh hùng từ trận bán kết diễn ra với hai thái cực. Trong khi đội Việt Nam đè nén Myanmar bằng đủ phương án và thua vì bất cẩn và vì thiếu may mắn thì Thái Lan đĩnh đạc vào chung kết vẫn bằng cái cách vận hành chung của mình. Đánh biên, đánh trung lộ đều có và quan trọng là những cú ra chân đầy uy lực hay những lần xuống sâu ở hai biên và kết thúc hiệu quả. Có vẻ như con đường đến chung kết và bảo vệ HCV của Thái Lan được tạo ra từ một ban huấn luyện cẩn trọng tính toán cẩn thận cho cuộc chơi của mình và họ chỉ còn 90 phút cuối (ít ai dám nghĩ Thái Lan cần đến 120 phút để thắng Myanmar ở chung kết).
Với Myanmar thì đặt chân vào bán kết là một kỳ tích rồi bởi những gì họ mang lại trong trận bán kết cho thấy đó là một đội dưới cơ nhưng biết nhẫn nhịn và chắt chiu tận dụng cơ hội.
Thái Lan chắc chắn sẽ không phạm những sai lầm như thầy trò ông Miura để bỏ qua cơ hội đăng quang lần nữa trên đất Singapore như cái cách mà 22 năm trước họ đã lên ngôi trên sân Kallang (Singapore). Một tập thể chín chắn được thử lửa qua nhiều giải từ AFF Cup đến Asiad và bây giờ là SEA Games.
Bóng đá Thái Lan đã đi bài bản từ gốc, từ một Thai-League đến hệ thống đào tạo trẻ và sang đến các đội tuyển lẫn những đội tuyển trẻ để hình thành một đội quân bách chiến bách thắng với cách chinh phục nhẹ nhàng tại SEA Games này.
Thái Lan ngại cổ động viên Myanmar Trước trận chung kết bóng đá tối nay, từ thầy cho đến trò U-23 Thái Lan không sợ chuyên môn trên sân mà chỉ sợ lực lượng cổ động viên (CĐV) hùng hậu của Myanmar. Trong trận bán kết với Việt Nam, lực lượng CĐV Myanmar vào sân cổ vũ cho đội nhà lên đến 15.000 người. Dự kiến trận chung kết sẽ có 25.000 CĐV Myanmar tiếp tục áp đảo CĐV Thái Lan. Lực lượng CĐV Myanmar ngoài những người bay sang cổ vũ còn có du học sinh và nhất là lực lượng lao động đang làm thuê tại đảo quốc. Các CĐV này tổ chức rất chuyên nghiệp khi liên tục hát những bài hát cổ vũ đội bóng nhằm tăng sức mạnh tinh thần cho cầu thủ nhà. DUY ÂN |