Trương Thị Phương bên cạnh người thân gia đình - Ảnh: KHƯƠNG XUÂN |
Tìm về thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày này mới thấy không khí xôn xao của làng quê khi nghe tin Phương giành HCV SEA Games. Từ ngày Phương trở về, khách khứa ra vào nườm nượp trong căn nhà ba gian bé tí tẹo của cha mẹ.
TUỔI THƠ KHÓ NHỌC
Bố mẹ Phương, ông Trương Hồng Quân và bà Phó Thị Hai, luôn tay rót nước mời khách trong làng và anh em họ hàng đến chúc mừng thành tích của con gái. Cả hai không thể ra đồng hay lên rừng đốn củi vì khách đến nhà đông quá. Biết nhà báo Tuổi Trẻ đến chúc mừng và trao quà cho Phương, hàng xóm ùn ùn kéo đến nhà ông Quân ngồi chật kín cả giường.
Một người hàng xóm và cũng là họ hàng với gia đình ông Quân xúc động: “Gia đình anh Quân, chị Hai nghèo lắm, chỉ có hai sào ruộng. Mùa vụ bận rộn, hết bận thì anh về Hà Nội làm phụ hồ, chị lại lên rừng chặt củi, bẻ măng bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Từ lúc bé tí, Phương và anh trai đã theo bố mẹ cấy gặt, lên rừng nên khỏe như voi ấy”.
Nghe hàng xóm kể về gia đình mình, ông Quân chỉ cười hề hề bảo mình nghèo, chẳng có tiền cho con ăn học nên việc gì làm ra tiền thì làm hết. Ông Quân bảo năm 1992 là đợt chia ruộng cuối cùng nên hai đứa con ông sinh sau năm 1992 đều không có ruộng, cả nhà chỉ trông chờ vào hai sào ruộng của vợ chồng ông để có gạo nấu cơm. Đói quá, ông nhận thuê thêm ruộng của người làng để cấy nhưng gánh sản cao nên chẳng lời lãi gì, chỉ có thêm ít lúa. Lúc ít việc đồng áng, vợ chồng và các con ông lại đạp xe vào rừng cách nhà 15km để đốn củi, bẻ măng về bán lấy tiền. Ngày xưa củi, măng nhiều còn dễ lấy, chứ giờ ít lắm nên kiếm được vài chục ngàn đồng cũng gian nan vô cùng. Từ nhỏ, Phương cùng anh theo bố mẹ lên rừng nên việc gì cũng biết làm.
Ba năm trước, khi đang học lớp 6 Trường THCS Trung Mỹ, Phương được các HLV của đội đua thuyền Vĩnh Phúc trong một lần về trường tuyển người đã chọn đi tập canoeing. Vóc dáng to cao, khỏe mạnh, Phương nhanh chóng lọt vào mắt xanh các HLV và sau đó được chọn lên tập huấn tại Cung thiếu nhi TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Những ngày đầu tập thể thao, Phương tỏ ra thích thú nhưng sau đó nhanh chóng chán, khóc đòi về vì nhớ bố mẹ và quá vất vả.
“Có lần lên đón con thấy bàn chân nó rộp phồng lên vì mỗi ngày chạy đến hơn chục kilômet nên thương con vô cùng. Thế nhưng đã chuyển học bạ cho con ra Vĩnh Yên để cháu tập thể thao và học văn hóa nên tôi quyết tâm động viên cháu cố tập luyện. Nhà nghèo, bố mẹ không hiểu biết, giờ chuyển đi chuyển lại chỗ học chúng tôi cũng chẳng biết phải nhờ ai” - ông Quân giải thích.
BỐ PHỤ HỒ TRÊN BỜ, CON CHÈO THUYỀN DƯỚI HỒ
Năm 2013, sau ba tháng tập thể lực với những bài chạy bộ, tập tạ, chèo thuyền trên bờ bằng gậy, Phương và một số VĐV trẻ Vĩnh Phúc được tỉnh gửi về CLB đua thuyền Hồ Tây, Hà Nội tập nhờ. Từ đây, em chính thức bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp và nuôi giấc mơ giành huy chương.
Phương nhớ lại ngày đầu đặt chân đến Hà Nội: “Em không thể quên được hôm ấy trời nóng như đổ lửa, bước chân khỏi ôtô là cái nóng ập vào mặt khiến em muốn lả đi. Mùa hè đầu tiên tập trên hồ Tây rất khủng khiếp bởi năm đó rất nóng, cứ tưởng xuống hồ sẽ đỡ nóng, nhưng hơi nước phả vào người chẳng khác gì đang trong hầm lò. Vì chúng em ở tỉnh gửi xuống tập nhờ nên cứ khi nào các anh chị tập xong mới mượn được thuyền để xuống hồ bơi. Thế nên cứ giữa trời nắng 10g-15g các VĐV khác nghỉ thì em vác thuyền xuống hồ. Ngã mãi, uống nước no rồi em cũng biết bơi, cân bằng được khi trèo lên thuyền và bơi được ra khỏi bờ”.
Có lẽ những việc đồng áng, lên rừng vất vả Phương đã quá quen nên khi tập canoeing em bảo chẳng sợ gì, chỉ sợ cái nóng của hồ Tây. Những ngày Phương miệt mài tập luyện ở hồ Tây, ông Quân cũng xách balô về Hà Nội làm thợ hồ để được gần con. Ông xin được một công việc phụ hồ cho những công trình ngay bên cạnh CLB đua thuyền hồ Tây. “Công trình tôi làm chỉ cách chỗ cháu Phương có 50m nên bố xách vữa trên bờ, con cứ bơi dưới hồ. Một số giải trong nước Phương thi đấu tôi cũng xin nghỉ việc để vào CLB cổ vũ con” - ông Quân nói.
Dù hi vọng rất nhiều nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông Quân dám tin có ngày con gái bé nhỏ có thể mang HCV SEA Games về cho gia đình.
HAI LẦN LẬT THUYỀN KHI CÁN ĐÍCH
Trương Thị Phương đoạt HCV canoeing tại SEA Games 28 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI |
“Bố mẹ ơi, con chiến thắng rồi!”. Đó là lời của Phương sau khi biết mình giành HCV nội dung 200m thuyền đơn với thành tích 51 giây 456 ngày 9-6 trên vịnh Marina tại SEA Games 28. Phương kể: “Lúc thuyền băng qua đích em chỉ biết là đã thi xong, do bị căng cơ và quá mệt nên em mất thăng bằng ngã nhào xuống nước. Khi bị ngã, em hoàn toàn không biết mình về thứ mấy, chỉ biết mình đã cán đích. Khi đội cứu hộ đưa xuồng ra đưa em vào bờ, do không biết tiếng Anh nên em cứ vẫy tay với họ để hỏi em về thứ mấy. Mãi khi vào đến bờ, HLV bảo em đã giành HCV thì em mới biết. Em khóc vì vui sướng khi nghĩ đến bố mẹ và bạn em. Bạn em là Trần Thị Lan cùng quê Vĩnh Phúc, đã tập cùng em suốt ba năm nhưng trước ngày lên đường Lan không được chọn đi SEA Games”.
Lần thứ hai đi thi đấu quốc tế, cả hai lần Phương đều giành HCV và đều bị lật thuyền khi cán đích. Trước đó, Phương giành HCV thuyền đơn 200m tại Giải vô địch canoeing Đông Nam Á tháng
12-2014 ở Singapore. Phương nhớ về kỷ niệm này: “Hôm đó em thi, HLV Cấn Anh Tuấn trên bờ cứ chạy theo hò hét cổ vũ. Em gần cán đích thì thầy Tuấn bị vấp ngã, nên khi đứng lên thầy chỉ thấy em bị lật thuyền dưới hồ mà không biết em đã giành HCV”.
Ngoài hai HCV quốc tế này, Trương Thị Phương đã giành 5 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, 4 HCV và 3 HCB tại Giải trẻ VĐQG 2014. Mới 16 tuổi nhưng cô gái chân chất Trương Thị Phương đã làm nên điều kỳ diệu cho canoeing và thể thao VN tại SEA Games 28. Ông Nguyễn Hải Đường - phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, tổng thư ký Liên đoàn Đua thuyền VN - khẳng định: “Trước đó canoeing chỉ được giao chỉ tiêu phấn đấu có huy chương. Rất bất ngờ khi Phương mang về HCV. Ở tuổi 16, em thật sự là tương lai của đua thuyền VN”.
HCV CỦA PHƯƠNG LÀ ĐỘNG LỰC CHO ĐUA THUYỀN VĨNH PHÚC Đó là chia sẻ của ông Vũ Mạnh Hồng - trưởng phòng thể thao thành tích cao Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc. Ông Hồng nói: “Vĩnh Phúc bắt đầu đào tạo và phát triển môn đua thuyền từ năm 2012 và lứa của Trương Thị Phương là lứa VĐV đầu tiên của tỉnh. Khi có VĐV, tỉnh gửi các em xuống CLB đua thuyền hồ Tây tập nhờ. Khi nào không được tập nhờ thì các VĐV về hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) tập trên cạn với kỹ thuật và thể lực là chính. Cả đội chỉ có một chiếc thuyền nên VĐV thay nhau xuống nước bơi nhưng thuyền này cũng cũ nát, không đúng tiêu chuẩn. Hi vọng chiếc HCV của Phương sẽ thúc đẩy lãnh đạo tỉnh quan tâm, đầu tư mua thuyền cho các VĐV để các em không phải đi tập nhờ, tập chay trên bờ”. |
Theo Khương Xuân (Tuổi Trẻ)