Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM phát biểu như trên.
Đường sách Nguyễn Văn Bình đã được xem là một điểm son, thành công đáng tự hào về văn hóa của TP.HCM đối với cả nước. Ngày 10-1, Sở TT&TT TP đã tổ chức buổi họp tổng kết hoạt động hai năm của đường sách TP.
Từ đường sách, văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ
. Phóng viên: Thưa ông, ý tưởng hình thành đường sách ban đầu cụ thể là như thế nào. Để làm cho nó thành công, cái gì khó nhất, cái gì tâm đắc nhất với ông?
+ Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM:Chúng tôi xác định mục tiêu đặt ra là làm một đường sách sao cho nó thực sự là không gian phục vụ cho việc tổ chức văn hóa đọc. Đường sách không chỉ là nơi bán sách mà là một con đường đầy sức sống bởi một không gian văn hóa đọc. Như vậy tại đường sách đó phải có sự tham gia của những đơn vị xuất bản có uy tín về thương hiệu, có bề dày về thương trường, có uy tín trong bạn đọc đối với những xuất bản phẩm của họ. Không chỉ là sự tham gia và bán những quyển sách có chất lượng như vậy mà còn phải tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, các sự kiện liên quan đến sách, văn hóa nghệ thuật để đường sách có sức sống thật sự. Với sức sống đó, các sự kiện này thu hút ngày càng đông hơn du khách, độc giả đến với đường sách.
Trong mục tiêu, bên cạnh các cửa hàng sách, bên cạnh không gian của văn hóa đọc, nó còn là không gian đến, điểm đến hội tụ yếu tố môi trường xanh, đẹp, một không gian yên tĩnh, thân thiện. Một không gian mà đến đó người ta như cảm thấy lọt vào một chỗ hoàn toàn xa cách với sự ồn ào, náo nhiệt, cách xa với sự bon chen, xô bồ của những đường phố khác.
. Theo ông, từ hoạt động và thành công của đường sách TP, đã có những tác động gì về việc phát triển văn hóa đọc nói chung?
+ Nó có những tác động rất cụ thể. Đó là thu hút nhiều người đến với đường sách. Trước đây chỉ là 1.000-2.000 người đến với đường sách, bây giờ có ngày lượng khách có thể lên đến cả vạn người. Chính hoạt động tại đường sách dần tạo nên thói quen đọc sách cho người đến đây, nhất là với trẻ con.
Thứ hai, qua tất cả hoạt động diễn ra tại đường sách, người dân TP thấy sách được tôn vinh. Những người chưa đọc sách thấy sách được tôn vinh như vậy sẽ nghĩ về sách, tìm đến sách, từ từ họ sẽ có thể yêu sách, đọc sách.
Thứ ba, đường sách góp phần giúp các nhà xuất bản nâng uy tín thương hiệu mình lên, giúp các đơn vị làm sách nâng sản lượng tiêu thụ sách lên.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm xếp hàng xin chữ cùng các bạn trẻ tại đường sách. Ảnh: HOÀNG GIANG
Không gian âm nhạc giữa đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: HOÀNG GIANG
. Thành công của đường sách TP.HCM, đồng thời cũng là sự lan tỏa của văn hóa đọc đang gây ra hiệu ứng cho nhiều tỉnh, thành nhiều nơi đang chuẩn bị làm đường sách riêng. Việc này tạo nên hai luồng ý kiến trái chiều. Ý kiến của ông ra sao?
+ Việc phát huy thành công đường sách Nguyễn Văn Bình TP để lan tỏa xuống các trung tâm dân cư ở các quận, huyện trong TP, hay lan tỏa đến các tỉnh, thành khác với tinh thần thận trọng. Cụ thể là phải nghiên cứu sức đọc, xu hướng của người dân địa phương sẽ làm đường sách. Hình thành một địa điểm sẽ làm đường sách ở chỗ nào, có được như đường Nguyễn Văn Bình hay không. Không gian diễn ra phải có cây xanh bóng mát, phải có phong cảnh hữu tình. Phải nghiên cứu mô hình vận hành để làm sao đường sách diễn ra với sự tham gia của những đơn vị xuất bản mạnh, có uy tín mới hình thành nên một chất liệu để có hoạt động có chất lượng.
Cần đầu tư mạnh mẽ để phát triển lâu dài “Đường sách góp phần vào sự thay đổi diện mạo tích cực của TP, tạo ra một môi trường văn hóa thân thiện, gần gũi cho người dân TP. Đường sách nên nhìn nhận thẳng thắn những gì còn chưa được để rút kinh nghiệm làm tốt hơn cũng như cần đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển mạnh hơn và phát triển lâu dài” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu. |
. Đã có nhiều ý kiến phàn nàn rằng vào những ngày rất đông khách, hai quán cà phê tại đường sách bày nhiều bàn ghế tràn xuống lòng đường gây cản trở lưu thông và chiếm không gian chung không ít. Ban điều hành đường sách TP có ý kiến gì về việc này, thưa ông?
+ Ban điều hành đường sách đã thấy việc đó và đã nhận thức đây cũng là điều tất yếu khi mà hoạt động đường sách tốt lên. Có đông người đến đường sách hơn thì không chỉ các quán cà phê bày bàn ghế xuống lòng đường mà lề đường cũng đông chật người đi, rồi có những ồn ào nhất định mặc dù chúng tôi đã hết sức cố gắng tạo ra một không gian yên tĩnh như không cho mở nhạc, không cho quảng cáo, không dùng âm thanh chỉ trừ khi có sự kiện diễn ra. Chúng tôi đưa ra giải pháp là các đơn vị tham gia đường sách bày bàn thêm trong một không gian thích hợp, không để chiếm lòng đường nhiều. Chúng tôi khuyến khích du khách mua nước và rời khỏi quán, đến các không gian trống có bày sẵn chỗ ngồi trong đường sách để uống. Ngoài ra, sắp tới UBND quận 1 sẽ có một căn tin mở cửa ra phía đường sách, đưa căn tin đó vào phục vụ khách ở đường sách với một phong cách rất là có văn hóa đọc để tải bớt lượng người muốn ngồi uống nước và hưởng thụ môi trường, không gian của đường sách.
. Xin cám ơn ông.
Tạo ra các thư viện mở thay vì làm đường sách tràn lan Nhiều người nói đường sách TP hình thành trong ba tháng nhưng trong thực tế đâu phải vậy. Để có một đường sách là cả một quá trình khảo sát, nghiên cứu, thăm dò ý kiến, nghe ngóng nhu cầu từ những người làm nghề, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và từ ngay cả người dân sống trên địa bàn. Vì vậy đừng nên nôn nóng khi muốn tạo ra một đường sách cho các địa phương. Tôi cho rằng nên phát triển nguồn lực thư viện sách ở các địa phương sẵn có. Các thư viện hiện nay trong thiết chế đóng, không mấy ai đến đọc sách, rất lãng phí. Tại sao chúng ta không thực hiện thiết chế thư viện mở, đưa sách, đưa thư viện đến các không gian văn hóa cộng đồng sao cho ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận để phát triển văn hóa đọc? Bà QUÁCH THU NGUYỆT, Phó Giám đốc Tin tưởng làm theo mô hình đường sách TP.HCM Xuất phát từ mong muốn nâng cao tri thức cho người dân, lãnh đạo TP Vũng Tàu đã giao cho một công ty phối hợp với Hội xuất bản Việt Nam, các nhà xuất bản, công ty phát hành sách đến từ TP.HCM xây dựng đường sách TP Vũng Tàu theo hình thức xã hội hóa. Vị trí đường sách được chọn đặt tại công viên Bãi Trước, nơi có không gian thoáng mát, nhiều cây xanh, gần bờ biển, thu hút đông người dân và du khách. Chúng tôi rất tin tưởng khi mô hình đường sách này trước đó đã thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, du khách. Hiện công trình đang gấp rút hoàn thiện để có thể đưa vào hoạt động cùng thời điểm khai mạc Hội hoa xuân dịp Tết nguyên đán. Bà NGUYỄN THỊ BẠCH NGÂN, Phó Chủ tịch KHÁNH LY ghi |