Đường sắt tập trung chở hàng để bù lỗ mùa dịch

Hiện nay, về vận tải khách, ngành đường sắt chỉ còn hoạt động duy nhất một đôi tàu Thống Nhất. Đôi tàu này không đón, trả khách tại một số tỉnh, TP đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Để bù lỗ, ngành đường sắt tập trung vào vận tải hàng hóa nhưng phương thức vận tải này cũng gặp những khó khăn nhất định.

VNR cho biết đối với tàu chuyên chở hàng hóa, các đoàn tàu vận chuyển hàng hóa có điểm đi và điểm đến cố định, không cắt móc dọc đường, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. 
Mỗi đoàn tàu có thể chở được 800-1.000 tấn hàng đi xuyên qua các địa phương mà không phải dừng lại để kiểm dịch cho người vận hành đoàn tàu. Nguyên nhân là toàn bộ hoạt động tác nghiệp của lái tàu và nhân viên nghiệp vụ đều diễn ra trên tàu hoặc các khu hạn chế tại các ga do đường sắt quản lý.  

Doanh thu giảm mạnh do dịch

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), doanh thu của ngành đường sắt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 và giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 (chỉ bằng 53,9%). Dự kiến sáu tháng đầu năm 2021, tổng công ty mẹ lỗ 180 tỉ đồng, trong đó Công ty Vận tải Hà Nội lỗ 130 tỉ đồng, Công ty Vận tải Sài Gòn lỗ 150 tỉ đồng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, cho biết các tỉnh, thành đang siết chặt công tác kiểm soát dịch bệnh nên vận tải hàng hóa cũng gặp khó khăn.

“Việc vận tải hàng hóa cũng đòi hỏi các biện pháp đảm bảo chống dịch nên chi phí vận tải cũng tăng. Đồng thời số lượng doanh nghiệp gửi hàng hóa bằng đường sắt hiện cũng giảm” - ông Trung cho hay.

Ngành đường sắt đang thực hiện các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa.
Ảnh: THY NHUNG

Nói thêm về khó khăn trong vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Nam Chính, Trưởng ban Kinh doanh VNR, cho biết hàng hóa sau khi vận chuyển bằng đường sắt từ khu vực phía Bắc và miền Trung vào đến ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) sẽ được trung chuyển bằng ô tô tải đến các địa điểm trả hàng của khách tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, do quy định chỉ cho lưu thông hàng hóa thiết yếu nên các xe này gặp khó khăn khi thông qua chốt kiểm soát. “Việc quy định mặt hàng thiết yếu hiện chưa rõ ràng nên việc kiểm soát còn nhiều lúng túng, gây ách tắc lưu thông, có nhiều trường hợp xe phải quay lại ga” - ông Chính cho hay.

Ông Chính cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, một lượng lớn hàng hóa đang bị ứ đọng tại ga Sóng Thần chưa được giải phóng để giao cho khách hàng. Hiện sản lượng chạy hàng hóa sụt giảm sâu so với tháng trước.

Do đó, tổng công ty đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT để đề nghị các địa phương điều chỉnh lại công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch. Từ đó, đảm bảo hàng hóa lưu thông phục vụ tiêu dùng và sản xuất, tránh không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Bên cạnh đó, tổng công ty cũng chỉ đạo các công ty vận tải phối hợp với các chủ hàng tìm mọi biện pháp giải phóng hàng nhanh, ưu tiên vận chuyển hàng bằng container để giảm số lượng xe tải trung chuyển tại các đầu ga” - ông Chính nói.

Triển khai tàu chuyên biệt vận tải người dân về quê

Theo VNR, trong bối cảnh dịch COVID-19, cũng giống như các lĩnh vực vận tải khác, doanh thu vận tải hành khách của ngành đường sắt đang “chạm đáy”. Theo đó, VNR buộc phải chuyển hướng bằng một số phương thức khác nhằm vực dậy ngành đường sắt.

Theo VNR, tổng công ty đã đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường sử dụng đường sắt làm phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa đi và đến các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Do đó, ngoài vận tải hàng hóa, VNR đã thực hiện các chuyến tàu vận chuyển để hỗ trợ cho người dân từ TP.HCM, các tỉnh phía Nam trở về quê. Việc triển khai các chuyến tàu chuyên biệt này sẽ góp phần giảm áp lực cho các địa phương đang chống dịch.

Theo đó, đoàn tàu vận chuyển hành khách chuyên biệt đảm bảo tiêu chí “một tuyến đường - hai địa điểm” (chỉ đón hành khách tại một ga đi và trả hành khách tại một ga đến). Tổng công ty cũng có thể bố trí các toa xe chuyên biệt trên các đoàn tàu (toa xe chỉ đón hành khách tại một ga đi và trả hành khách tại một ga đến).

“Việc sử dụng phương thức vận tải đường sắt trong giai đoạn này là biện pháp an toàn, hiệu quả để vận chuyển người dân và hàng hóa. Từ đó, giúp duy trì chuỗi cung ứng trên toàn quốc cũng như đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời hàng hóa cho các địa phương đang áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng” - ông Nguyễn Nam Chính cho hay.•

 

Đoàn tàu hàng đầu tiên chạy thẳng từ Việt Nam sang châu Âu

Theo báo cáo tổng kết của VNR, số đoàn tàu khách sáu tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ bằng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với tàu chở hàng có sự tăng trưởng, cụ thể năm 2021 bằng 111,25% so với cùng kỳ năm 2020 và 107,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành đường sắt đã tổ chức thành công đoàn tàu container đầu tiên từ Việt Nam sang Bỉ và tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan.

Cụ thể, ngày 20-7 vừa qua, Công ty Ratraco tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên xuất phát từ ga Liên vận quốc tế Yên Viên (TP Hà Nội) kết nối với TP Liege (Bỉ), sau đó tiếp chuyển đường bộ đi đến điểm đích là TP Rotterdam (Hà Lan).

Thành phần đoàn tàu gồm 23 container 40 feet được vận chuyển với các loại hàng hóa như dệt may, da giày. Hành trình đoàn tàu được xuất phát từ ga Yên Viên vận chuyển đến Trịnh Châu (Trung Quốc), sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, vận tải đường biển quốc tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, vận tải đường sắt có nhiều ưu thế hơn khi vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu do hệ thống kết nối đường sắt liên vận quốc tế hiệu quả, các đoàn tàu đi đến ga đích đúng giờ.

Hiện nay, Công ty Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển tám chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình là 25-27 ngày.

Dự kiến đoàn tàu thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27-7 với các sản phẩm điện tử và đoàn thứ ba xuất phát ngày 3-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm