Chiều 23-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Theo đó, tòa giảm án cho Dương Tự Trọng từ 18 năm tù xuống còn 16 năm tù. Với các bị cáo còn lại, tòa y án sơ thẩm.
Hành trình bỏ trốn
Theo tòa, căn cứ vào lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với chứng cứ điều tra, tòa xác định chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng (lúc này đang là cục trưởng Cục Hàng hải) biết tin bị khởi tố và bắt tạm giam nên thông báo với em trai là Dương Tự Trọng (khi đó là phó giám đốc Công an TP Hải Phòng). Dũng được Trọng hướng dẫn đến trốn tạm thời ở nhà Hoàng Kim Nhung (bạn gái của Trọng) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Sau đó, Trọng nhờ Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường - Công an TP Hải Phòng) và Phạm Minh Tuấn (nguyên giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng - Hải Phòng) đi đón Dũng đưa lên Quảng Ninh để trốn sang Trung Quốc. Do bấm độn thấy hướng xấu, Dũng quyết định chuyển hướng trốn sang Campuchia để từ đó đi sang Mỹ. Trọng bèn nhờ Thắng và Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng) đưa Dũng từ Quảng Ninh đi Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài.
Dương Tự Trọng đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: B.MINH
Tối 23-5-2012, Dũng thuê xe ôm trốn sang Campuchia, còn Dũng “Bắc Kạn” (dân giang hồ) và Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng, lúc đó có sai phạm bỏ trốn, đang bị truy nã) dùng hộ chiếu nhập cảnh công khai. Cả ba gặp nhau ở casino để nhờ người quen đóng dấu hộ chiếu giúp Dũng trốn đi Mỹ.
Ngày 24-5-2012, từ Phnom Penh, Dũng và Đồng Xuân Phong bay sang Singapore để Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Do không được nhập cảnh vào Mỹ nên sau đó Dũng phải quay về lại Campuchia lẩn trốn. Dương Tự Trọng yêu cầu Vũ Tiến Sơn (nguyên phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hải Phòng) liên lạc với Phong và Dũng “Bắc Kạn” để nhờ người quen ở Campuchia thu xếp cho Dũng tiếp tục lẩn trốn ở Campuchia. Đến ngày 4-9-2012, Dũng bị bắt đưa về Việt Nam.
Tòa: Không thể giảm nhẹ hơn
Theo tòa, Dương Tự Trọng giữ vai trò chủ mưu, biết Dương Chí Dũng phạm tội nhưng vẫn tổ chức đưa Dũng trốn ra nước ngoài. Mặc dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bản thân có nhiều thành tích trong công tác nhưng trong quá trình điều tra và ở cấp sơ thẩm, thái độ không hợp tác khai báo nên án sơ thẩm đã xử phạt mức hình phạt nghiêm khắc. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên xét thấy có cơ sở để giảm một phần hình phạt.
Đối với Sơn, Ánh, Phong và Dũng “Bắc Kạn”, mức án sơ thẩm xử phạt không cao, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ mức án và đề nghị giảm một phần hình phạt của VKS.
Trong vụ án, bị cáo Sơn giữ vai trò quan trọng thứ hai sau Dương Tự Trọng. Vai trò phạm tội của Sơn rất tích cực, đứng ra liên lạc, phân công cho một số bị cáo khác. Mức án sơ thẩm (13 năm tù) chỉ cao hơn mức thấp nhất của khung hình phạt xét xử (từ 12 đến 20 năm tù) nên không có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hơn.
Bị cáo Phong ở cấp phúc thẩm đã xuất trình một số huân, huy chương của người thân được tặng thưởng trong kháng chiến để xin giảm án. Tòa xét thấy bị cáo được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nhưng lại bất chấp pháp luật, có hành vi buôn lậu, trong khi đang bị truy nã lại tiếp tục phạm tội trong vụ án này nên không thể xem xét giảm nhẹ.
Riêng bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan nhưng lời khai của các bị cáo khác trong vụ án cho thấy bị cáo không thể không biết việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng.
BÌNH MINH
Tổ chức, câu kết chặt chẽ Tòa nhận định các bị cáo đã khai nhận hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên có căn cứ xét xử các bị cáo ở khoản 3 Điều 275 BLHS (phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công, mỗi bị cáo được giao một việc nhưng phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Dương Tự Trọng. Các bị cáo đã sử dụng kinh nghiệm, nghiệp vụ được đào tạo phòng, chống tội phạm để thực hiện hành vi phạm tội, thay đổi phương tiện đi lại, điện thoại, sử dụng SIM rác, thường xuyên thay đổi liên lạc nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra. Trong vụ án này, nhiều bị cáo hoạt động trong ngành công an nhưng lại câu kết với một số đối tượng xã hội có nhân thân xấu (từng phạm tội có tiền án, đang bị truy nã), thể hiện sự thoái hóa lập trường, tư tưởng của ngành công an, gây ảnh hưởng xấu cho uy tín ngành. Hành vi phạm tội của các bị cáo tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn thoát sang Campuchia gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án Vinalines, gây khó khăn cho công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, gây dư luận hoài nghi trong nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng. |