Đường xuân vạn lý phương Nam

(PLO)- Những con đường khiêm tốn cạnh bờ sông, những con sông bằng lặng, chia nước cho những dòng kênh nhỏ, đặc sản của miền Tây sông nước.

Cứ theo hướng tây, ngày ngả chiều, tà dương đỏ cả vùng, cứ nhắm mặt trời ra khỏi TP.HCM để tiến vào một vùng đất người ta quen gọi là miền Tây Nam Bộ.

Có lần nào bạn thử rời TP, lên chuyến xe về quê vào chiều cuối năm, sau khi rời chỗ làm, mệt mỏi nhưng thanh thản khi biết rồi đây sắp được trở lại quê hương?

Bến xe đông, đại lộ đông, trời hầm uể oải, xe đi chậm như bò, những khuôn mặt thẫn thờ nhìn qua cửa sổ, vô thức đọc cho bằng hết những chữ viết hai bên hông xe, tên những địa danh vừa quen vừa lạ lướt qua nối nhau bằng những con đường băng ngang cánh đồng, men theo những dòng sông, con kênh, hay đi qua một thị xã tỉnh lẻ, một TP nho nhỏ ngẩn ngơ trong chiều muộn.

Xuôi về miền Tây là đi trên những con đường tưởng chừng đến một lúc sẽ chạm trời bởi một khoảng không gian đồng bằng mênh mông không bị án ngữ bởi núi đồi, hay bóng dáng các tòa nhà. Xe ra khỏi cao tốc, chỉ còn ta và sắc xanh của lúa. Ruộng của bách gia nối nối tiếp tiếp thành một cánh đồng vô tận ngát xa, thấp thoáng vài vòng thành đắp cao, vài ba hay chỉ còn một ngôi mả đơn độc.

Người nông dân cả đời gắn bó với mảnh ruộng, nâng niu hột lúa như sắp nhỏ trong nhà, mảnh ruộng do cha ông khai hoang, mảnh ruộng cả đời canh tác, cải tạo nên cuối đời vẫn ước muốn nằm lại nơi đây. Mùa xuân, có mấy dáng người già trẻ lặng lẽ nhổ cỏ, quét vôi cho những ngôi mả giữa đồng, họ lum khum tay cầm nén nhang, lầm rầm khấn điều chi thành kính.

Chuyến xe cuối năm, tài xế chọn đi vào những con đường nhỏ nhưng vắng xe hơn để tránh kẹt. Những con đường khiêm tốn cạnh bờ sông, những con sông bằng lặng, chia nước cho những dòng kênh nhỏ, đặc sản của miền Tây sông nước. Những làng xóm bên đường san sát, trước nhà mấy chậu cúc vàng mua trưng tết nằm yên ngó nhau. Thế nào đi được một đoạn bất kỳ cũng sẽ gặp căn nhà với khoảng sân lát gạch tàu, trong đó hoặc là các chậu mai kiểng đã chín vàng hoặc là một cây mai rừng cắm chân vào đất, nhánh xòe ra che mát một khoảnh lộ, mấy cánh vàng rụng vương dưới đường như những con bướm thiêm thiếp đậu lại nghỉ cánh đôi lúc, rồi không biết khi nào sẽ bất giác bay lên nhờ một con gió lành của mùa xuân.

Không khí tết miền Tây thường dài. Tháo cuốn lịch cũ xuống, treo cuốn lịch mới lên, vậy là đã rục rịch đón tết. Dọn dẹp nhà cửa, lặt lá cho mai, đi mua hoa, nấu thịt kho... Thấy trước nhà ai cũng có vài cái mẹt hoặc mâm phơi củ kiệu, vậy là cũng đủ báo hiệu tết gần đến. Hay cứ cách vài căn thấy bắc bếp lò, đặt nồi nước luộc bánh tét, khói nhè nhẹ tỏa ra níu giữ cái hình ảnh tưởng chừng quá vãng, khói lam chiều bãng lãng trên mấy mái nhà trong xóm yên bình, một hình ảnh hiếm hoi mà chỉ dịp tết đến xuân về mới thấy.

Nếu không phải dừng chân quá sớm và thuận tuyến, chuyến xe đò sẽ vào Sa Đéc - thủ phủ hoa của cả một vùng châu thổ. Một ngày mùa xuân, hoa từ các làng hoa tràn ra đường phố, kết long kết phượng, trang trí đủ hình thù, ngập các ngã tư, giành lấy chỗ của gạch đá trơ khấc. Người đông, xe đông, xe bán tải, xe ba gác cộc cạch chở hoa ra chợ, tỏa ra toàn cõi miền Tây. Và may mắn đi trên những con đường ven sông, hay chạy qua những chiếc cầu bắc ngang một dòng kênh, ngó xuống thấy những chiếc thuyền hoa sẽ cập một bến bờ nào đó chở theo hy vọng một năm sung túc đủ đầy của chủ vườn.

Trên đường về miền Tây ấy, có lần bắt gặp đôi vợ chồng trẻ trên xe, đứa con nhỏ còn khóc oe oe, hành khách trở mình trằn trọc. Đứa bé nhỏ tí mà nhõng nhẽo, trên ghế chẳng chịu, người cha cứ phải ẵm nó ra nằm ở lối đi, dỗ dành hồi lâu mới nín. Vợ chồng nhà này cũng vui, cứ xưng hô mày tao, nói chuyện không giữ ý nhưng trong câu chuyện ấy cũng có đôi chỗ ngậm ngùi: Vừa trả phòng trọ, xe máy cũng bán, chuyến này về quê gửi đứa nhỏ rồi mượn ít tiền của bà con lên lại Sài Gòn tính chuyện làm ăn…

Ruộng đồng thưa vắng… vắng vì nỗi có những người đi không về, khó khăn lắm cũng không chịu về… Cũng đành, biết làm sao được. Chợt nhớ câu ca dao:

Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc

Gió nào độc cho bằng gió Gò Công

Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng

Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Xe chạy cho kịp mùa xuân, chạy một hồi cũng mệt. Dừng lại bên vệ đường cho bác tài xuống hút điếu thuốc, hành khách xuống hít chút khí trời. Lui cui trên cánh đồng chiều, người chồng khum lưng đi đi lại lại thăm lúa. Trên bờ ruộng, cô vợ bồng con đứng dưới bóng tán cây già chăm chú dõi theo, núi trải đằng xa, một bức tranh phong cảnh thanh bình không cần tô vẽ.

Tôi đứng trên con đường miền Tây, tiểu lộ chạy lon ton nối cánh đồng này với cánh đồng khác, nối cánh đồng với đường lộ lớn, một xóm thôn nho nhỏ, ai đó đã mở nhạc tết vang vang.

Hò lơ hó lơ… Giờ này trên khắp Việt Nam chắc muôn nhà đã chuẩn bị đón tết. Chuyến xe ngày cuối năm sắp dừng lại ở bến cuối. Tranh thủ đi nhanh vì chút nữa thôi mọi ngả đường đông nghẹt xe cộ, người người khấp khởi đi đón giao thừa. Xe vẫn chạy, như để tận hưởng cái việc già đi theo tháng năm, trên con đường mùa xuân xuôi vạn lý phương Nam… Hò lơ hó lơ…

Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang . Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng

Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng . Hương đồng quyến rũ hát lên vang.

(thơ Tế Hanh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm