Dứt bỏ mọi thứ để đến với Việt Nam

Ngoài thời gian dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em, ông Paul Blizard còn đạp xe 40-50 km để cảm nhận sự thay đổi của Sài Gòn mỗi ngày. Ông cố gắng để giao tiếp với mọi người bằng tiếng Việt. Gặp một em bé co ro ngoài chợ, ông mua cho em cái bánh kẹp ăn để lót dạ… Vợ ông - bà Pat dù di chuyển khó nhọc do di chứng tai biến 15 năm trước vẫn đồng hành cùng chồng đến dạy tiếng Anh cho những trẻ em mồ côi ở mái ấm và căn nhà của những bà mẹ đơn thân. Đó là những đặc điểm để phân biệt họ giữa hàng ngàn người ngoại quốc đang sinh sống ở Việt Nam.

Ông Paul và vợ đang dạy tiếng Anh cho thành viên mái ấm Green Hope. Ảnh: H.LAN

Mái ấm của bà mẹ đơn thân Green Hope (phường Phú Mỹ, quận 7) tối thứ Bảy tuần rồi rộn rã tiếng cười khi vợ chồng ông Paul xuất hiện. Trước khi vào buổi học tiếng Anh, ông đã đặt sẵn pizza để lót bụng cho các thành viên trong nhà. Mặc dù không giỏi tiếng Anh nhưng nhờ sự giao tiếp thường xuyên, các thành viên đã dần mạnh dạn trao đổi với vợ chồng ông một cách tự nhiên. Có những từ học trò phát âm chưa chuẩn, ông kiên trì lặp đi lặp lại và dùng những bộ phận trên cơ thể mình để minh họa cho bài học một cách hài hước, dễ nhớ. Cuối buổi học, Vi mời vợ chồng ông tuần sau đến ăn bánh xèo ở nhà tự làm và dự đầy tháng con của Trang (những người trong mái ấm những bà mẹ đơn thân)…

Nghe bạn bè giới thiệu về mái ấm ga Sài Gòn, vợ chồng ông đã tìm đến dạy tiếng Anh cho các em. Cuối tuần, bọn trẻ háo hức mong chờ Paul cùng vợ dẫn các em đến hồ bơi, đi ăn, đi nha sĩ, cắt kiếng cận…

Trên cánh tay Paul là một hình xăm dải đất hình chữ S chạy dài khoảng 10 cm và dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Hỏi ông yêu Việt Nam thì chỉ cần chứng minh bằng việc làm cụ thể là đủ, cần gì phải chịu đau đớn khi khắc lên tay mình như vậy. Ông bảo đó là lời nhắc nhở ông mỗi ngày làm một điều tốt tại đất nước này. Dự định này ông đã ấp ủ từ rất lâu nhưng mãi đến hai năm trước đây, ông mới dứt bỏ mọi thứ ở quê nhà để đặt chân đến Việt Nam.

Ông kể đã rất đắn đo và e ngại vì những nỗi đau mà đất nước ông đã gây ra trong chiến tranh rằng khi gặp ông, người Việt Nam sẽ nổi giận. Điều lo ngại của ông đã trở thành sự thật khi một người đàn ông Hà Nội đã bĩu môi và không đoái hoài đến bàn tay chìa ra đầy thiện chí của ông khi thốt lên: “America à, no no”. Nhưng nỗi buồn này đã tan biến khi ông được tiếp xúc và kết bạn với nhiều con người tuyệt vời khác. “Khi tôi nói tôi không thể nói tiếng Việt, họ luôn cố gắng giao tiếp với tôi. Tôi thấy họ rất đáng yêu và chu đáo. Khi biết nỗi e ngại của tôi khi là công dân Mỹ, họ luôn nói: “Mọi chuyện đã qua rồi, chúng ta bây giờ là bạn”. Tôi nghĩ đây là điều tuyệt vời nhất”.

Điều tuyệt vời đó như một liều thuốc tinh thần bổ ích cho vợ chồng ông. Bằng chứng là Pat (vợ ông) không còn thấy đau vì di chứng tai biến và luôn cảm thấy vui vẻ khi cùng chồng từng ngày đem niềm vui đến cho những mảnh đời thiếu thốn ở Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm