Theo hãng tin Al Jazeera ngày 21-6, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lo ngại về việc một số quốc gia thành viên, có cả Đức, đang quay lại sử dụng than để sản xuất điện.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng mình dùng cuộc khủng hoảng này để tiến lên phía trước và không để bị thụt lùi vì dùng nhiên liệu hóa thạch bẩn” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nói.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP |
Phản ứng của bà nhắm vào việc một số nước châu Âu chuyển sang dùng than đá để sản xuất điện trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đẩy họ vào tình trạng thiếu hụt khí đốt và năng lượng. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của liên minh 27 thành viên.
Mục tiêu trung hòa carbon là một trong những nền tảng trong các chính sách của bà von der Leyen ở Ủy ban châu Âu.
Trước đó, Đức, Áo và Hà Lan cho biết họ sẽ nới lỏng các hạn chế đối với các nhà máy điện đốt bằng than, sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo giảm lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream cho Đức.
Theo đài RT ngày 21-6, Đức đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Cụ thể, Đức đang chuẩn bị cho giai đoạn thứ hai và có thể chính thức khởi động nó trong vòng 5-10 ngày tới, tờ Die Welt ngày 21-6 dẫn những nguồn thạo tin cho biết.
Cụ thể, giai đoạn báo động thứ hai, sẽ được Bộ Kinh tế Đức công bố, cho phép các công ty điện nước chuyển phí tổn khí đốt, vốn đã tăng đáng kể sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine, cho khách hàng.
Bộ Kinh tế Đức chưa lên tiếng về thông tin trên.
Trước đó vào cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu là một "cuộc tấn công của Moscow nhằm vào Berlin".