Ngày 17-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ủng hộ việc trao tư cách ứng viên Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine, cũng như với Georgia và Moldova, theo hãng tin Reuters. Dự kiến các lãnh đạo EU sẽ thảo luận khả năng này tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra tại Bỉ trong hai ngày 23 và 24-6.
Tuy nhiên, theo Reuters, con đường trở thành thành viên của EU đối với Ukraine, cũng như với Georgia và Moldova, không dễ dàng. Ukraine sẽ được yêu cầu cải cách kinh tế và chính trị để đạt được tiêu chuẩn của EU. Cụ thể, Ukraine sẽ phải điều chỉnh các điều luật cho tương thích với các điều luật của EU theo 35 lĩnh vực chuyên đề, từ tài chính, công lý đến khí hậu. Hơn nữa, không có khả năng EU tiếp nhận một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh.
Nói cách khác, Ukraine có thể sẽ mất nhiều năm để trở thành thành viên EU. Ba Lan dù không có chiến tranh cũng phải mất 10 năm kể từ khi xin gia nhập vào năm 1994 đến khi thực sự trở thành thành viên vào năm 2004. Thổ Nhĩ Kỳ đã có tư cách ứng viên vào năm 1999 nhưng hiện không có triển vọng gia nhập.
Một khi Ukraine hoàn tất quá trình cải cách, điều chỉnh luật, một hiệp ước gia nhập sẽ được chuẩn bị và phải được Ukraine, tất cả các chính phủ EU và Nghị viện châu Âu chấp thuận. Quá trình này lâu hay nhanh còn tùy thuộc vào yếu tố chính trị. Những năm gần đây, nhiều nước EU, trong đó có Hà Lan, Pháp và Đức phản đối kết nạp thành viên mới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) gặp nhau tại cung điện Mariinsky ở Kiev, Ukraine ngày 16-6. Ảnh: REUTERS |
Tuy nhiên, hiện Ukraine đã giành được sự hậu thuẫn quan trọng của Pháp và Đức. Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Ý và Romania đã cùng sang Kiev vào ngày 16-6 và tuyên bố ủng hộ việc Ukraine gia nhập EU, bắt đầu với tư cách là quốc gia ứng viên. Trong khi Thủ tướng Ý Mario Draghi nói rằng “thông điệp quan trọng nhất của chuyến thăm là Ý muốn Ukraine gia nhập EU” thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”.
Song điều các nhà quan sát đang đặt câu hỏi là liệu một khi Ukraine được EU trao tư cách ứng viên thì việc này tác động thế nào đến việc EU tài trợ cho Ukraine? Cho đến nay, EU đã gửi khoảng 2 tỉ euro (2,1 tỉ USD) cho Ukraine để mua thiết bị quân sự.
Theo trợ lý giáo sư về chính trị so sánh Will Daniel tại ĐH Nottingham (Anh), việc Ukraine trở thành ứng viên của EU “không nên có tác động trực tiếp đến các loại viện trợ, hỗ trợ đã được cung cấp và có thể sẽ tiếp tục được cung cấp trong những tháng tới”.
Mọi diễn biến đều đang được Nga theo dõi chặt, theo người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17-6, đặc biệt trong bối cảnh 27 nước thành viên khối này đang tăng cường hợp tác quốc phòng.