EU và ASEAN sẽ bàn gì trong hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên sắp diễn ra năm nay?

(PLO)-  EU - ASEAN sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào tháng 12 để thảo luận về việc mở rộng hỗ trợ thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12 để bàn về việc mở rộng hỗ trợ thương mại và cơ sở hạ tầng cho các nước trong khối ASEAN.

Hội nghị sẽ diễn ra trong bối cảnh EU đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với ASEAN nhằm giảm sự ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc tại khu vực này, trang Nikkei Asia đưa tin.

Dự kiến hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU sẽ khai mạc ngày 14-12 năm nay tại thủ đô Brussels (Bỉ) với sự góp mặt của các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo từ cả 2 khối.

Năm 2022 đánh dấu 45 năm Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU) thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN. Hội nghị năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng của chiến sự Nga - Ukraine, nên sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với châu Âu trên mặt trận kinh tế, ngoại giao và an ninh.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU sẽ khai mạc ngày 14-12 tại thủ đô Brussels (Bỉ). ẢNH: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU sẽ khai mạc ngày 14-12 tại thủ đô Brussels (Bỉ). ẢNH: REUTERS

EU và ASEAN sẽ triển khai việc phát triển chuỗi cung ứng trong hội nghị thượng đỉnh tháng 12 này, nhằm khắc phục sự trì trệ trong xuất khẩu các sản phẩm y tế và linh kiện ô tô từ ASEAN sang EU do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, EU dự kiến thông qua các thỏa thuận hợp tác kinh tế và viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước Đông Nam Á.

Nỗ lực đạt thỏa thuận với các “đối tác cùng chí hướng”

Chia sẻ với tờ Financial Times hồi tháng 7, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - ông Valdis Dombrovskis cho biết EU đang tăng cường nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với các “đối tác cùng chí hướng”.

Đại diện cấp cao của EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh - ông Josep Borrell cho biết trong cuộc họp cấp bộ trưởng ngày 4-8 với ASEAN, EU cam kết tham gia hợp tác khu vực và xem ASEAN là “đối tác chiến lược”.

Theo Nikkei Asia, EU đang xem xét triển khai hiệp định thương mại tự do (FTA) với toàn bộ ASEAN. Tuy nhiên, trước đó liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Campuchia và Myanmar vì các vấn đề liên quan tới quyền con người, nên hiện EU sẽ tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương riêng biệt.

Cụ thể, EU đã ký kết FTA với một số nước thành viên thuộc ASEAN như Việt Nam và Singapore. Sắp tới EU sẽ tìm cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán tương tự với một số quốc gia khác thuộc ASEAN như Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan, vì một số nước trong khối ASEAN có nguồn dầu khí dồi dào - vốn là thứ EU đang rất cần để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Liên minh châu Âu còn nối lại các cuộc đàm phán thương mại tự do với Ấn Độ sau khi gác lại các cuộc họp này trong gần 1 thập niên. Ngoài ra, Liên minh châu Âu còn ký kết FTA với Nhật và Hàn Quốc.

Nỗ lực giảm ảnh hưởng của Nga và TQ

Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy tổng lượng thương mại giữa EU và ASEAN trong năm 2021 đạt hơn 250 tỉ USD. Điều này giúp ASEAN trở thành một đối tác lớn của EU trong năm 2021, dù vẫn xếp sau TQ, Nga và Mỹ.

Việc EU mở rộng mạng lưới thương mại tự do sẽ giúp khối này đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm bớt sự phụ thuộc vào các cường quốc giàu tài nguyên như Nga.

EU đã ký với TQ Hiệp định toàn diện về đầu tư vào tháng 12-2020. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị trì hoãn khi quan hệ của EU với Bắc Kinh trở nên căng thẳng do TQ áp lệnh trừng phạt đối với 10 chính trị gia EU hồi năm 2021.

Về ASEAN, một quan chức cấp cao của EU cho biết khối này đang tìm cách ngăn chặn các nước Đông Nam Á xích lại gần TQ và Nga.

Theo Chiến lược hợp tác của EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương công bố năm 2021, khối này và ASEAN sẽ hợp tác chặt chẽ để kiểm soát xuất khẩu các công nghệ “nhạy cảm” sử dụng cho mục đích quân sự và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm