Mặc dù ý tưởng tổ chức một vòng chung kết Euro là của người Pháp, thế nhưng trong suốt sáu kỳ Euro đầu tiên được tổ chức từ năm 1960-1980, Pháp luôn sở hữu một hệ thống thành tích nghèo nàn. Đặc biệt vào năm 1960, khi kỳ Euro được tổ chức ngay tại sân nhà, Les Bleus còn phải ngậm ngùi nhìn cúp bạc danh giá rơi vào tay tuyển Liên Xô.
Platini với kỷ lục ghi chín bàn sau trận, giúp tuyển Pháp vô địch Euro mùa 1984.
Vòng chung kết Euro 1984 là lần thứ hai giải đấu này được tổ chức tại nước Pháp. Khi ấy, Pháp đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một ứng cử viên hàng đầu cho ngôi vô địch. Dưới tay của HLV Michel Hidalgo năm đó, Les Bleus sở hữu một loạt hảo thủ như Jean Tigana hay Alain Giresse, Luis Fernandez và đặc biệt là ngôi sao của Juventus Michel Platini, bốn cái tên đã tạo nên bộ tứ tiền vệ huyền thoại làm rúng động châu Âu suốt một thời gian dài.
Sau khi ghi bàn thắng duy nhất vào lưới đội tuyển Đan Mạch trong trận khai mạc, Platini đã tiếp tục thể hiện tài năng xuất chúng với bảy bàn thắng sau ba trận vòng bảng. Một mình huyền thoại nước Pháp đã đưa những chú “gà trống Gaulois” hiên ngang tiến vào bán kết cùng Đan Mạch. Trong khi đó, sau trận thua 2-3 trước Pháp, Nam Tư là đội có thành tích kém nhất năm đó khi rời cuộc chơi mà không có bất kỳ điểm nào.
Tại bảng đấu đối diện, tất cả bốn cái tên bao gồm Đức, Romania, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đều thi đấu không mấy ấn tượng. Sau hai lượt trận đầu tiên, cả hai đội bóng đến từ bán đảo Iberia chỉ kiếm được vỏn vẹn 2 điểm. Mọi thứ chỉ được định đoạt sau những chiến thắng sít sao 1-0 ở lượt trận cuối cùng. Kết thúc vòng bảng, cả hai gã hàng xóm là Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha dắt tay nhau vào bán kết cùng Pháp và Đan Mạch.
Tại lượt trận bán kết đầu tiên giữa Pháp và Bồ Đào Nha là một trong những trận đấu hay nhất tại các vòng chung kết. Platini chuyền bóng cho Domergue ghi bàn phút 24. Trong những phút tiếp theo, dưới sự dẫn dắt của Platini, thế trận diễn ra một chiều và Manuel Bento đã phải vất vả ngăn chặn các cơ hội của đối phương. Đến phút 74, Chalana bên cánh trái chuyền cho Rui Jordao bất ngờ đánh đầu ghi bàn gỡ hòa 1-1.
Sự giằng co sau đó tiếp tục được cả hai kéo dài tới cả hai hiệp phụ. Phút thứ 8 của hiệp phụ đầu tiên, Jordao tiếp tục gieo sầu cho các cổ động viên chủ nhà với bàn thắng nâng tỉ số lên thành 2-1. Thế nhưng với sự bùng nổ ngoạn mục, một mình Platini đã liên tiếp ghi hai bàn thắng quan trọng để đưa Pháp tiến đến trận chung kết. Hình ảnh chàng trai với mái tóc dài lãng tử chạy dọc đường biên, để lại sau lưng hàng trăm lá quốc kỳ Pháp đã trở nên bất tử trong tâm trí cổ động viên của Les Bleus.
Niềm hân hoan từ những chú "gà trống Gaulois".
Hướng về trận chung kết tại Paris với Tây Ban Nha, Pháp tự tin cao độ dưới sự thống lĩnh của thiên thần Platini. Kết thúc 90 phút thi đấu nghẹt thở, những chú "gà trống Gaulois” đã dễ dàng đánh bại đàn “bò tót” Tây Ban Nha với tỉ số 2-0, trong đó Platini tiếp tục thể hiện dấu ấn với một bàn thắng, bàn còn lại được thực hiện bởi tiền đạo Bruno Bellone.
Kết thúc kỳ Euro năm đó, tuyển Pháp đường hoàng lên ngôi vô địch trong sự đón chào của người hâm mộ cả nước. Đây là lần đầu tiên Pháp vô địch một kỳ Euro, chiến tích này còn trở nên hiển hách hơn nữa sau kỷ lục ghi chín bàn thắng sau năm trận của Platini. Huyền thoại nước Pháp và thế giới năm ấy đã chinh phục người hâm mộ trên toàn hành tinh bằng lối chơi kỹ thuật điêu luyện và tinh thần thi đấu rực lửa.