F-18 bắn rơi Su-22: Mỹ nợ Nga lời giải thích

Ngày 18-6, tiêm kích F/A-18 Super Hornet của Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 của quân đội Syria bằng hai quả tên lửa. Mỹ cáo buộc Su-22 ném bom nhắm vào nơi trú quân của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà Mỹ chống lưng.

Truy cứu đến cùng

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 20-6 (giờ địa phương) cho biết: Moscow đang chờ đợi một lời giải thích đầy đủ từ Washington về vụ bắn hạ cường kích Su-22 của quân đội Syria hôm 18-6, đồng thời hy vọng Mỹ không làm cản trở các hoạt động chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này.

Trước đó, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, khi vụ giao chiến giữa máy bay Mỹ và Syria diễn ra, phía Mỹ đã không sử dụng kênh liên lạc giảm xung đột giữa căn cứ liên quân tại al-Udeid (Qatar) và không quân Nga tại Hmeymim (Syria). Trong khi đó, tuyên bố cùng ngày của Lầu Năm Góc lại khẳng định bộ chỉ huy liên quân đã liên hệ với các đối tác phía Nga để giảm xung đột và yêu cầu ngưng bắn.

“Giữa Nga và Mỹ đã có một cơ chế rất cụ thể nhằm tránh xung đột trên không tại Syria. Chúng tôi đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích chi tiết về nguyên nhân vụ bắn hạ. Chúng tôi hy vọng Washington sẽ cung cấp đầy đủ cho Nga” - ông Lavrov nhấn mạnh.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi nói chuyện với người Mỹ một cách thẳng thắn và tôi nhất định sẽ nêu câu hỏi này trước Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tương lai rất gần. Tôi muốn nhận được một lời giải thích hoàn chỉnh”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Washington còn nợ Moscow một lời giải thích. Ảnh: REUTERS

Nga có dám hành động?

Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố chấm dứt thực thi thỏa thuận phòng ngừa sự cố trên không và an toàn bay với Mỹ tại Syria, được hai nước ký từ tháng 10-2015. Cả Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Ngoại giao Nga đều đe dọa sẽ xem các máy bay Mỹ và liên quân ở phía Tây Syria sông Euphrates là “mục tiêu”. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn còn tranh cãi liệu Moscow sẽ hành động thực sự hay tiếp tục dọa dẫm.

“Trên thực tế, Nga không thể cắt đường dây nóng giảm xung đột với Mỹ bởi điều này không nằm trong lợi ích của Moscow. Đường dây nóng không chỉ để quản lý các hoạt động của Nga và đồng minh mà bây giờ còn để đối phó các phản ứng bất ngờ của Mỹ trước căng thẳng trong xung đột này” - bà Sarah Lain, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu hoàng gia về các vấn đề quốc phòng và an ninh Anh (RUSI), nhận xét.

Theo bà Lain, Moscow nhanh chóng can dự mạnh tay vào xung đột Syria thời gian qua bởi chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rất ngại đối đầu quân sự. Còn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, các tướng lĩnh được phép tự do hành động cứng rắn hơn tại Syria mà quyết định bắn hạ Su-22 là bằng chứng rõ ràng nhất. Theo bà, Nga có thể “giơ cao đánh khẽ”, dọa bắn máy bay Mỹ nhưng sẽ tìm cách hạ nhiệt để tránh kích động một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria, theo Newsweek.

Trong khi đó, Keir Giles, chuyên gia quân sự thuộc Viện chính sách đối ngoại Chatham House (Anh), cho rằng các thông báo đưa ra từ Nga vẫn rất mơ hồ. Trong khi Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng nhẹ nhàng kêu gọi tôn trọng chủ quyền Syria, phản ứng của Bộ Quốc phòng Nga lại rất cứng rắn. Ông cho rằng Nga có thể cố tình tạo cảm giác mơ hồ để các đồng minh của Mỹ chùn chân.

Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 20-6 kêu gọi Quốc hội cho phép sử dụng hành động quân sự ở Syria, theo Reuters. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã bắt đầu xem xét pháp chế việc sẽ sử dụng hành động quân sự ở Syria, Afghanistan, Iraq, Somalia, Libya và Yemen trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), al-Qaeda và các nhóm khủng bố Hồi giáo khác.

________________________________

Tôi nghĩ sẽ không ai sống sót nếu nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Nga và Mỹ. 

VLADIMIR PUTIN (Tổng thống Nga trả lời phỏng vấn đạo diễn người Mỹ Oliver Stone)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm