DIỄN TIẾN VỤ CÁC QUAN CHỨC FIFA BỊ BẮT

FIFA là ổ tham nhũng?

Trong các cuộc chạy đua giành quyền đăng cai, những lần gần đây trong ngôi nhà FIFA lộ dần bất hợp lý từ các lá phiếu. Điển hình như quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar, dư luận đặt dấu hỏi tại sao những quốc gia có đầy đủ điều kiện thời tiết lẫn sân bãi cùng kinh nghiệm tổ chức thì “gãy”, còn hai quốc gia quá lạnh (Nga) và quá nóng (Qatar) lại giành chiến thắng.

Một lá phiếu bầu được mua với giá 7,5 triệu bảng

Và Cục Cảnh sát Liên bang Mỹ FBI đã âm thầm điều tra tìm ra những cáo buộc tham nhũng của các thành viên trong ngôi nhà FIFA, mở đầu bằng cuộc bắt nóng tại Zurich vào sáng 27-5 đúng vào thời điểm FIFA chuẩn bị đại hội.

Có thể bắt đầu sự việc của việc điều tra qua thông tin Sunday Times trích lời Chủ tịch LĐBĐ châu Đại Dương - Reynald Temarii: “Tôi đã nhận được một lời đề nghị trị giá 7,5 triệu bảng để đổi lấy phiếu bầu cho cuộc đua giành quyền tổ chức World Cup 2018!”.

Đến tháng 11-2010, chính ông Temarii và một nhân vật nữa trong Hội đồng Điều hành FIFA là Adamu đã tố cáo tham nhũng trong những lá phiếu bầu nhưng rồi hai nhân vật trên đã bị phạt tiền và cấm hoạt động bóng đá ba năm từ phía FIFA vì cho rằng đã vu khống các thành viên trong tổ chức bóng đá thế giới.

Đến tháng 5-2011, LĐBĐ Anh đã xảy ra cuộc xung đột lớn với FIFA qua việc Anh chuẩn bị rất kỹ cho cuộc chạy đua đăng cai World Cup 2018 với Nga và 2022 với Qatar nhưng thất bại và người Anh đã nhìn ra sự thiếu minh bạch trong cơ cấu tổ chức của FIFA, đồng thời đề nghị hủy bỏ kết quả của cuộc bình chọn không minh bạch trên.

Bắt đầu từ việc trao quyền đăng cai cho Nga và Qatar bị dư luận cho là sặc mùi tiền.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Loretta Lynch chỉ ra những bất thường trong ngôi nhà FIFA.

Ủy ban Đạo đức FIFA không dám công bố vấn đề liên quan đến đạo đức

Cũng thời điểm trên, Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner bị cáo buộc nhận “quà” của Qatar trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022, qua việc tài khoản của nhân vật phó chủ tịch FIFA này đột ngột tăng lên hàng triệu đôla ngay sau khi Qatar giành quyền đăng cai trong sự nghi ngờ của giới chuyên môn về việc đồng tiền đã làm lệch các lá phiếu.

Gặp phải sức ép từ nhiều phía, tháng 7-2012, FIFA đã thuê luật sư người Mỹ điều tra về cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 và chính luật sư này đã chỉ ra rất nhiều điểm bất thường trong quá trình bỏ phiếu của FIFA. Sau đó luật sư này đã thực hiện bản báo cáo điều tra dài 350 trang nhưng lạ ở chỗ là Ủy ban Đạo đức của FIFA đã ém luôn, không công bố báo cáo trên.

Ngôi nhà FIFA bắt đầu lủng củng khi tháng 7-2013, thành viên Hội đồng Điều hành FIFA - Theo Zwanziger chỉ trích FIFA và cho rằng việc Qatar đăng cai World Cup là một vết nhơ từ sản phẩm lỗi của FIFA.

Vụ việc trên đã lan đến nhiều nhà tài trợ về sự thiếu minh bạch khiến tháng 1-2015, nhiều nhà tài trợ thân thiết với FIFA đã chấm dứt hợp đồng với tổ chức này.

Mới đây, tháng 5-2015, cựu tuyển thủ Bồ Đào Nha Luis Figo (là một trong những ứng cử viên muốn tranh chức chủ tịch FIFA) đã tuyên bố bỏ cuộc vì không thể chống lại đế chế độc tài và thối nát của FIFA mà đứng đầu là ông Sepp Blatter.

Vụ bắt khẩn cấp các lãnh đạo FIFA trong danh sách ban đầu là 14 người mới chỉ là phần đầu của cuộc tấn công vào tổ chức xã hội lớn nhất thế giới đang bị thao túng bởi đồng tiền.

Được biết sự việc trên là do Bộ Tư pháp Mỹ ra tay mở đường cho cơ quan tư pháp Thụy Sĩ cùng vào cuộc, xuất phát từ việc nhiều giới chức cấp cao Thụy Sĩ bực bội vì hình ảnh xấu mà FIFA (có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ) tạo ra và đầy những tai tiếng.

Vì sao lại là FBI vào cuộc?

Một thông tin cho biết xuất phát từ rất nhiều cáo buộc liên quan tới CONCACAF, LĐBĐ Bắc-Trung Mỹ và Caribe, có trụ sở tại Miami. Bên cạnh đó có nhiều công ty tiếp thị và quảng cáo thể thao cũng bị cáo buộc có liên quan mà FBI đã theo dõi từ lâu liên quan đến nguồn tiền chảy qua các doanh nghiệp Mỹ hoặc qua đất Mỹ.

Khởi đầu là một vụ trốn thuế liên quan tới cựu quan chức LĐBĐ Mỹ - Chuck Blazer. Nhân vật này cũng từng là tổng thư ký CONCACAF và thành viên Ủy ban Điều hành (Exco) FIFA. Ông Chuck Blazer đã nhận tội trước tòa và chấp nhận hợp tác để được giảm án. Ngoài ra còn một nhân vật nữa là Jose Hawilla, thành viên sáng lập công ty tiếp thị thể thao Traffic, bị truy tố rất nhiều tội danh. Khi điều tra CONCACAF và Traffic, Bộ Tư pháp Mỹ nói họ thu thập được các bằng chứng về tội phạm có tổ chức, bao gồm tình nghi tham nhũng liên quan tới việc giành quyền đăng cai World Cup 2010, cuộc bầu cử chủ tịch FIFA 2011 và Copa America 2016, sẽ được tổ chức ở Mỹ liên quan tới các vụ hối lộ lên đến 110 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm