Ngày 15-7, FIFA sẽ trao chiếc cúp vàng cho đội vô địch và sẽ khắc thêm một cái tên nhà vô địch 2018 vào đế chiếc cúp vàng. Đến nay phần đế đấy đã có 11 cái tên gắn với 11 lần vô địch kể từ khi cúp vàng FIFA phiên bản mới được hình thành sau khi phiên bản cũ được đội Brazil giữ vĩnh viễn sau ba lần vô địch.
Cúp vàng chật chội những cái tên
Như vậy trên phần đế của cúp vàng FIFA với 11 cái tên gắn với 11 thời điểm vô địch (năm) cho 11 nhà vô địch (kể từ năm 1974 đến nay) có ba cái tên của Đức (1974, 1990, 2014); các quốc gia có hai lần được khắc tên là Argentina (1978, 1986), Ý (1982, 2006), Brazil (1994, 2002); còn lại là Pháp (1998), Tây Ban Nha (2010) mỗi đội một lần. Chuẩn bị cho lần khắc cái tên vô địch vào vị trí thứ 12, FIFA đã bắt đầu lo lắng đến World Cup 2030 thì cái đế chật chội đấy sẽ kín hết và không biết đến World Cup 2034 thì cái tên ở vị trí thứ 16 sẽ đặt ở đâu.
Đến giờ mới có ý tưởng đưa ra là đến World Cup 2034 thì FIFA nên làm một chiếc cúp khác và giữ lại chiếc cúp từ năm 1974 với 15 cái tên ứng với những năm vô địch sẽ được đưa vào bảo tàng.
Các nghệ nhân Ý vừa bảo tồn cúp vàng bản thật, vừa làm phiên bản cho những nhà vô địch. Ảnh: fifa.com
Người Ý bị loại nhưng lần nào cũng được sờ cúp vàng
Nhiều người thắc mắc khi đến phòng truyền thống của đội Đức sẽ thấy ba chiếc cúp vàng FIFA, phòng truyền thống của Brazil, Argentina, Ý mỗi nơi đều có hai chiếc cúp vàng y hệt nhau và ở Pháp, Tây Ban Nha cũng có cúp vàng thì cái cúp được trao sau mỗi trận chung kết là cúp nào?
FIFA quy định cúp trao trong trận chung kết là cúp thật nhưng đội vô địch chỉ được khắc tên vào đấy, rồi sau đó phải trả lại cho FIFA và nhận phiên bản cúp vô địch làm sở hữu riêng.
Nói về những phiên bản cúp vàng phải kể đến bàn tay khéo léo của người Ý. Dù đội tuyển Ý bị loại không có mặt tại vòng chung kết World Cup 2018 nhưng cứ bốn năm một lần, các nghệ nhân người Ý vẫn in dấu tay của họ trên chiếc cúp vàng danh giá nhất thế giới.
Để tạo ra chiếc cúp dát vàng 18 kara, các nghệ nhân lành nghề của Ý mất ba tháng tái tạo một bản sao tại xưởng sản xuất các danh hiệu và huy chương GDE Bertoni tại Pederno Dugnano, một thị trấn nhỏ gần TP Milan nước Ý.
Nhà vô địch Đức với ba lần được khắc tên vào đế chiếc cúp và đến năm 2030 thì phần đế đấy sẽ kín tên những nhà vô địch. Ảnh: GETTY IMAGES
Cứ bốn năm một lần, các công nhân của xưởng đúc được FIFA trao nhiệm vụ tạo ra một bản sao cúp vàng để trao cho đội bóng vô địch thế giới. Bản gốc của chiếc cúp cao 36,8 cm, nặng 6,1 kg, chế tác năm 1971 bởi nghệ nhân điêu khắc Silvio Gazzaniga (chiến thắng 53 đối thủ khác) và đội đầu tiên được chạm vào là đội tuyển Tây Đức - nhà vô địch World Cup 1974.
Sau khi được trao cho nhà vô địch và được khắc tên vào đế, chiếc cúp sẽ được trao trở lại để GDE Bertoni khôi phục trước khi trao trả FIFA lưu giữ ở bảo tàng nhằm chuẩn bị cho kỳ World Cup tiếp theo. Và bao giờ cũng thế, sau mỗi chức vô địch, mỗi lần ăn mừng chiến thắng, sau khi các cầu thủ, lãnh đạo đội bóng, thậm chí người hâm mộ chạm vào chiếc cúp danh giá thì chiếc cúp ít nhiều bị hư hại, hao mòn. Vì vậy mà trước khi trả về FIFA thì GDE Bertoni cũng chính là đối tác được “chọn mặt gửi vàng” để “tút” lại, hay nói đúng hơn là công tác bảo tồn cúp. Và suốt từ năm 1974 đến nay, GDE Bertoni vừa lo phần bảo tồn vừa là đơn vị tạo ra bản sao chiếc cúp thế giới để chuyển đến cho những nhà vô địch.
Từ bản chính cúp thật, vàng thật, một phiên bản đồng được hình thành tại xưởng đúc. Cứ thế, những chiếc cúp qua từng giai đoạn cứ được hình thành (để lưu trữ), còn cúp thật thì chỉ vui với lễ hội trọng đại trong điều kiện… quá tải và chỉ còn ba kỳ World Cup nữa là đầy.
Quy trình chế tác phiên bản cúp vàng Kim loại nặng được đổ vào khuôn mẫu có hình dạng và thiết kế tương đương với cúp thật. Sau đó các nghệ nhân dùng máy mài loại bỏ những mảng kim loại dư thừa. Ở phần chế tác hoàn toàn bằng thủ công, loại đục tay và búa nhỏ được nghệ nhân sử dụng để tinh chỉnh, hoàn thiện những chi tiết cần thiết nhất. Đặc biệt, hình người với hai cánh tay giơ cao thể hiện khát vọng vươn lên sao cho sinh động nhất. Tiếp đến, máy mài bóng được nghệ nhân trưng dụng để tạo thêm thần sắc cho chiếc cúp. Sau phần chế tác thủ công, chiếc cúp được đưa qua bộ phận điện giải. Một quá trình làm sạch bằng siêu âm kết hợp với dung môi thích hợp nhằm loại bỏ dầu mỡ, bụi bẩn… đồng thời làm tăng tác dụng của kim bột vàng để trang trí rồi qua xử lý với nước cất giúp vàng trở nên sáng bóng và lấp lánh. Ở công đoạn cuối, đá cẩm thạch màu xanh lá cây malachite được cẩn vào hai vòng dưới phần chân đế và sơn phủ Zapon để bảo quản. Sau quá trình ba tháng kết hợp giữa thủ công và các công nghệ khoa học, chiếc cúp được sấy khô, kiểm tra lần cuối trước khi cho xuất hiện trước công chúng tại các kỳ World Cup. |