Ông bầu Futsal Trần Anh Tú khẳng định trong buổi hội thảo Futsal quốc gia 2015 tại sân Thống Nhất nói rằng, tương lai của nền Futsal Việt Nam là những người chúng ta đây. Buổi hộ thảo Futsal quốc gia diễn ra chiều ngày 11-4 không chỉ tạo ra khung hình tiến đến chuyên nghiệp để tìm tiền mà còn tạo nền móng vững chắc cho một nền Futsal phát triển.
Phó Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi trình bày lộ trình chuyên nghiệp Futsal
Hàng loạt khung hình, hành lang mang tính pháp lý cho môn Futsal dựa trên những thực tiễn của Futsal Việt Nam được xây dựng để bước đầu dần đi vào quỹ đạo chuyên nghiệp.
Lộ trình xây dựng bắt đầu từ năm 2016. Theo đó mỗi CLB tham dự mùa giải phải theo những mô hình chuyên nghiệp như các CLB bóng đá chuyên nghiệp 11 người. Ngoài ra mỗi đội còn phải có quỹ một tỷ đồng cho một mùa giải. Cái mà các đội lo, những người trong ban tổ chúc hội thảo lo là việc để đăng ký chơi một mùa giải, phải có ít nhất bảy cầu thủ có hợp đồng lao động với CLB tối thiểu sáu tháng. Cái này là nhằm mục đích “tiêu diệt” dần kiểu chạy “show” mượn quân của CLB khi mùa giải đến, tạo tính không ổn định cho Futsal và không đặt nặng công tác đào tạo trẻ, tham gia sân chơi kiểu thời vụ. Tuy nhiên vấn đề này lại gặp phải những khó khăn, chẳng hạn như nhiều đội Futsal mang màu sắc…phủi, cứ đến gần giải là gom quân, mượn quân thi đấu.
Còn việc các doanh nghiệp gánh cho cầu thủ của mình phải có hợp đồng trên sáu tháng thì cũng căng. Bởi mùa giải Futsal thì không dài mà nuôi cầu thủ qua hợp đồng dài hạn thì trả lương là một vấn đề lớn. Ngay cả V- League mùa này bị đứt quản nhiều (do các đội tuyển tập trung) mà các CLB giàu có như SHB Đà Nẵng còn la làng vì phải trả lương cho cầu thủ không thi đấu đội lên quá cao thì liệu các ông bầu các CLB Futsal có chịu nổi hay không? Đây là vấn đề mà ông Dương Vũ Lâm, đại diện của VFF dự buổi hội thảo chia sẻ “nên xem lại” để khỏi phải gây khó khăn cho một số đội. Tuy nhiên ông bầu Trần Anh Tú lại quyết liệt rằng, lương cầu thủ Futsal không bao nhiêu, từ ba đến năm triệu, cá biệt có vài trường hợp “ngôi sao” thì lương 15 đến 20 triệu mà thôi, nên cứ thế mà làm. Ông Tú nói thêm, có tiền thì chơi không thì thôi, chứ không thể… lẫn lộn được. Ông Tú còn minh họa rằng, ít ra tám CLB hiện nay vào giai đoạn hai của giải vô địch Futsal quốc gia là đã đủ điều kiện như đã nêu.
Ông bầu Futsal Trần Anh Tú, người khởi xướng chuyên nghiệp hóa Futsal
Về mặt cơ sở vật chất, các CLB phải có sân tập và thi đấu, điều này thì hầu như không khó vì địa phương nào cũng có nhà thi đấu. Về sân tập thì bước đầu có thể dùng sân cỏ nhân tạo như bóng đá mini chẳng hạn. Nếu bất kỳ đội bóng nào đăng ký tổ chức giải vô địch quốc gia thì phải có cơ sở vật chất cho thi đấu đảm bảo tốt. Theo đánh giá thì hiện nay có đội như Thái Sơn Nam, Sanna Khánh Hòa, Sanatech Khánh Hòa có điều kiện rất tốt vì có nhà thi đấu tỉnh Khánh Hòa…
Hiện nay chỉ có bốn CLB Futsal thường tham dự giải vô địch quốc gia là Thái Sơn Nam, Sanna Khánh Hòa, Sanatech Khánh Hòa và Kim Toàn (Đà Nẵng) là thành viên của VFF. Ban Futsal khuyến khích các đội nên đăng ký là thành viên của VFF nhưng các CLB chuyên nghiệp để có được những quyền lợi khác như ứng cử vào bộ máy điều của Ban Futsal lẫn VFF.
Về công tác khiếu nại trong mùa giải liên quan đến các án kỷ luật và các án khiếu nại khác cũng được đề cập đến một cách thấu đáo và rõ ràng. Việc các cầu thủ bị phạt thẻ, treo trận… thì có thể gửi đơn lên Ban khiếu nại của Ban tổ chức để có thể xem xét thay đổi (nếu có thể). Đây là bước đi nhằm dần loại bỏ kiểu khiếu nại thiếu bài bản tổ chức thường thấy khi trận đấu đang diễn ra…
Khi mọi thứ đi vào quy cũ, các CLB bỏ công và của ra đầu tư thì tất nhiên chất lượng sẽ đi lên, họ sẽ “chết, sống” vì đội nhiều hơn. Từ đó, Futsal cũng sẽ tính đến việc tìm kiếm tài trợ, bán vé khi chất lượng các giải đấu đi lên…