Báo Deutsche Welle (DW) đưa tin lãnh đạo nhóm các nền kinh tế lớn (G20) ngày 30-10 đã thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn chưa thống nhất trong vấn đề biến đổi khí hậu.
G20 thông qua thỏa thuận thuế quan trọng, nhất trí mục tiêu tiêm chủng toàn cầu. Ảnh: REUTERS
Tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên sau hai năm, các nhà lãnh đạo G20 hôm 30-10 đã thông qua thỏa thuận quan trọng nhằm thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.
DW dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Hôm nay, mọi nguyên thủ quốc gia G20 đều tán thành một thỏa thuận lịch sử về các quy tắc thuế quốc tế mới, bao gồm mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm chấm dứt cuộc đua vô cùng tai hại về thuế doanh nghiệp”.
Kế hoạch cải tổ, đã được gần 140 quốc gia ủng hộ, nhằm chấm dứt hoạt động che giấu lợi nhuận ở các quốc gia thuế suất thấp của các tập đoàn lớn như Apple và công ty mẹ Alphabet của Google.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ý Mario Draghi nói các chính phủ cần làm việc cùng nhau để đối mặt những thách thức to lớn.
“Từ đại dịch, đến biến đổi khí hậu, đến đánh thuế công bằng và bình đẳng, một mình giải quyết không phải là một lựa chọn” - ông Draghi nói.
Ông Draghi nhấn mạnh rằng chỉ 3% người dân ở các quốc gia nghèo trên thế giới được tiêm chủng, trái ngược với mức 70% người dân đã được tiêm chủng ít nhất một mũi ở các quốc gia giàu có.
“Những khác biệt này là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và làm suy yếu sự phục hồi toàn cầu” – ông Draghi nói.
Vị thủ tướng Ý kêu gọi các đối tác G20 "làm tất cả những gì có thể" để đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022. Các lãnh đạo G20 hôm 30-10 đã đồng thuận với mục tiêu này.
Theo DW, trong đoạn băng ghi hình bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu vấn đề phân phối vaccine không bình đẳng.
Ông Putin cho rằng lỗ hổng này là do cạnh tranh không trung thực, chủ nghĩa bảo hộ và một số quốc gia chưa sẵn sàng cho việc công nhận vaccine và giấy chứng nhận tiêm chủng của nhau.
Trong khi đó, ông Tập kêu gọi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ cho các quốc gia đang phát triển.
DW dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nước G20 có quyền lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 hoành hành hơn nữa cũng như các đại dịch trong tương lai.
"Có bao nhiêu người nữa sẽ chết, trong trận dịch này và trong tương lai? Câu trả lời nằm trong tay các bạn?" – ông Tedros phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh.
Ông Tedros kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt cuộc khủng hoảng tiêm chủng bằng cách xem xét tình trạng thiếu nguồn cung vaccine ở các nước nghèo.
“Chúng tôi hiểu và ủng hộ trách nhiệm của mọi chính phủ trong việc bảo vệ người dân của chính mình. Tuy nhiên, công bằng về vaccine xin không phải là từ thiện; đó là lợi ích tốt nhất của mọi quốc gia" - ông Tedros nói thêm.
Người đứng đầu WHO thúc giục G20 nhanh chóng cung cấp nguồn vaccine COVID-19 mà họ đã cam kết cho các nước, đồng thời yêu cầu hội nghị hỗ trợ sản xuất vaccine ở châu Phi.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, một cơ chế tài chính sẽ được thành lập trong khuôn khổ G20 để chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.