Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản cho biết đường Nguyễn Văn Linh (tuyến đường trục kết nối quận 7 và huyện Bình Chánh ở phía nam TP.HCM) vẫn chưa được đầu tư hoàn thành theo đúng quyết định (QĐ) 4318/1994 (dựa trên giấy phép năm 1993) về phê duyệt tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh.
Nhiều nút giao chưa hoàn thành
Cụ thể, ngày 20-12-1994, UBND TP.HCM có QĐ 4318 về việc duyệt tuyến đường Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (nay là đường Nguyễn Văn Linh) căn cứ Giấy phép đầu tư 602/1993 và hồ sơ phóng tuyến đường do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải thiết lập.
Giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh đang là nút giao đồng mức, theo Quyết định 1994, giao lộ này phải được đầu tư thành nút giao khác mức. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Theo QĐ này, điểm đầu tuyến đường là ranh giới với Khu chế xuất Tân Thuận và giao nhau với liên tỉnh lộ 15, điểm cuối tuyến giao với quốc lộ (QL) 1A. Tuyến đường sẽ được đầu tư làm các nút giao theo dạng thức khác mức phù hợp của tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Các nút giao gồm: QL1, hương lộ 5 (nay là đường Trịnh Quang Nghị), liên tỉnh lộ 50 (nay là QL50), đường Nguyễn Tri Phương nối dài (nay là đường Chánh Hưng), hương lộ 34 (nay là đường Lê Văn Lương), liên tỉnh lộ 15 (nay là đường Huỳnh Tấn Phát). Đây đều là các nút giao nhau khác cốt.
Riêng hạng mục nút giao thì năm 2011, QĐ 1755 của UBND TP có sự điều chỉnh thay thế nút giao Lê Văn Lương bằng nút giao Nguyễn Hữu Thọ, bổ sung nút giao chân cầu Tân Thuận 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay toàn tuyến đường Nguyễn Văn Linh mới có nút giao khác mức với QL1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nút giao khác mức Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang trong quá trình xây dựng hầm chui. Còn lại các nút giao khác đều là nút giao đồng mức, chưa được đầu tư khác mức đúng theo QĐ 4318 yêu cầu.
Có hạng mục chưa hoàn thành, cao độ đường chưa đạt
Theo báo cáo của Ban quản lý khu Nam (đơn vị được UBND TP giao trách nhiệm quản lý đầu tư tuyến đường Nguyễn Văn Linh) thì tuyến đường này đã được Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng thực hiện đầu tư xây dựng một số hạng mục, còn một số hạng mục chưa hoàn thành, có nơi cao độ mặt đường chưa đạt yêu cầu.
Sở GTVT TP đề nghị rà soát các văn bản pháp lý có liên quan để xác định trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường theo hồ sơ dự án đã được duyệt.
Cụ thể, đoạn qua khu A đã xây dựng đủ 14 làn xe theo thiết kế. Đoạn qua các khu B, C, D, E mới xây dựng hoàn thành 10/14 làn xe. Theo cam kết của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, việc đầu tư xây dựng các làn đường này sẽ được thực hiện ngay sau khi TP hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu B, C, D, E.
Đối với đoạn không đi qua các khu A, B, C, D, E (từ giao lộ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát) đã thực hiện đầu tư hoàn thành theo thiết kế được Bộ Xây dựng thẩm định (10 làn xe) và đưa vào khai thác từ ngày 30-5-2022.
Ngoài ra, theo bản vẽ kèm theo QĐ 1310/1999 của Bộ Xây dựng, cao độ thiết kế mặt đường từ 2 m trở lên, trừ vị trí từ Km1+015 đến Km1+016 cao độ từ l,78 đến l,99 m. Tuy nhiên, bản vẽ do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng cung cấp hồi tháng 5-2020, cao độ mặt đường Nguyễn Văn Linh rất nhiều vị trí thấp hơn 2 m, có điểm chỉ cao l,3 m.
Theo Sở GTVT TP, Giấy phép đầu tư 602 nêu thời gian xây dựng tuyến đường này trong bảy năm và quản lý, khai thác, thu phí trong thời gian 30 năm kể từ khi đưa vào khai thác. Sau đó, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng sẽ chuyển giao tuyến đường này về cho TP.HCM quản lý. “Tuyến đường này được đưa vào khai thác, thu phí bắt đầu từ ngày 5-4-1998. Như vậy, đến tháng 4-2028 thì tuyến đường Nguyễn Văn Linh sẽ được chuyển giao về cho TP khai thác, quản lý và thu phí” - văn bản nêu rõ.
Vì vậy, nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của các bên có liên quan, Sở GTVT TP đề nghị Sở KH&ĐT TP chủ trì, phối hợp với Ban quản lý khu Nam, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng và các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá kỹ các nội dung liên quan đến giấy phép đầu tư, quyết định phê duyệt dự án tuyến đường này.
Đồng thời, Sở GTVT TP đề nghị rà soát các văn bản pháp lý có liên quan để xác định trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường theo hồ sơ dự án đã được duyệt.•
Tổng kinh phí đầu tư làm đường khoảng 100 triệu USD
Đường Nguyễn Văn Linh, tên gọi trước đây là Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, là một tuyến đường trục kết nối quận 7 và huyện Bình Chánh ở phía nam TP.HCM. Đại lộ được quy hoạch lộ giới 120 m, gồm 10 làn xe, 10 cây cầu với tổng kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu USD. Đây được xem là một trong những đại lộ lớn nhất TP.HCM.