Gánh nặng đổ lên vai phụ huynh

Xét riêng về quỹ hội phụ huynh học sinh (PHHS) lớp lẫn trường thì đây là những khoản tiền không cao đối với số đông cư dân đô thị. Thế nhưng nếu cộng hai loại quỹ này với những khoản thu trong và ngoài quy định của nhà trường thì sẽ là một con số lớn. Điều này đồng nghĩa với việc các gia đình có con em đi học đang chịu một gánh nặng, nhất là với những nhà có thu nhập thấp.

Nói tự nguyện nhưng không thể không đóng

Ông Phạm Đức Thắng, Trưởng ban Đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) Trường Tiểu học Lê Hoàn (Gò Vấp), cho biết lợi dụng sự nhiệt tình của phụ huynh, nhiều trường đã thông qua ban đại diện bắt nhiều phụ huynh đóng góp quá đáng từ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sửa chữa máy móc đến mua sắm trang thiết bị… Tuy nhiên, muốn cấm hẳn việc này thì Nhà nước phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục từ nhân lực đến cơ sở vật chất, không nên để trường tự xoay xở vì khi trường khó khăn thì phụ huynh cũng không “yên”.

Chị Bùi Thị Thanh Thảo, thành viên ban đại diện CMHS lớp mầm B Trường Mầm non 6 (quận 3), nói lâu nay phụ huynh phải đóng góp rất nhiều cho nhà trường để đảm bảo việc học cho con em. Ở trường này, mỗi em phải đóng 90.000 đồng/tháng tiền quỹ hội phụ huynh, tính ra một năm mỗi em phải đóng gần 1 triệu đồng. Tổng quỹ dùng để chi nhiều khoản như mua thiết bị trang trí phòng, khen thưởng học sinh, trong đó có những khoản mà nhiều phụ huynh đã không đồng tình như trồng cây xanh, xây hồ bơi trên sân thượng, mua đồ tập thể dục…

Một phụ huynh trong ban đại diện Trường Tiểu học Bành Văn Trân (Tân Bình), cho biết lâu nay phụ huynh phải đóng góp quá nhiều. Trong năm học 2010-2011, phụ huynh của trường này đã đóng góp hơn 1 tỉ đồng. Nhiều phụ huynh có điều kiện thì không nói gì nhưng số khác cũng không thể ngồi yên “ăn theo” và lâu dài sẽ tạo áp lực nặng cho phụ huynh trong khi đó không phải là trách nhiệm của họ. Nếu dự thảo của bộ thành hiện thực thì đây sẽ là cơ sở pháp lý để phụ huynh và nhà trường dễ dàng làm việc mỗi khi vào năm học.

Gánh nặng đổ lên vai phụ huynh ảnh 1

Cầu thang bộ của Trường THCS Kim Đồng quận 5 (TP.HCM) được phụ huynh đóng góp sửa chữa trong năm học 2011-2012. Ảnh: Q.VIỆT

Cấm phải có chọn lọc

200 tỉ đồng là số tiền đóng góp của ban đại diện CMHS 86 trường tại TP.HCM trong năm học 2010-2011. Trong đó, có nhiều trường đã chi 30%-70% để đầu tư cơ sở vật chất.

Thông qua thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức), PV được biết nhiều năm nay, ban đại diện CMHS của trường này không kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền xây dựng cơ sở vật chất của trường. Theo ban, một gia đình có hai, ba trẻ đi học thì có biết bao nhiêu khoản phải lo, không nên bắt phụ huynh góp tiền đầu tư những khoản thuộc về trách nhiệm của Nhà nước.

Bà Huỳnh Thị Kim Thưởng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chí Linh (Phú Nhuận), cho biết lâu nay quỹ PHHS trường này chỉ thu 20.000 đồng/em/tháng. Quỹ này dùng để khen thưởng thêm cho học sinh, hỗ trợ một số hoạt động ngoại khóa của trường chứ không chi vào việc sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất… Tuy nhiên, việc cấm thu nên có sự cân nhắc. Bởi có những trường lớn phải đầu tư nhiều về đội ngũ, cơ sở vật chất trong khi ngân sách Nhà nước không đủ hoặc không kịp thời…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Gò Vấp cũng nói việc cấm thu các khoản như vệ sinh trường lớp, mua sắm trang thiết bị, khen thưởng cán bộ… là cần thiết vì đầu tư cho giáo dục là như nhau, nếu để tình trạng thu chi như lâu nay tại các trường sẽ làm mất cân bằng giáo dục, phân biệt đối xử, tạo áp lực chung cho phụ huynh… Thế nhưng không thể cấm “sạch sẽ” vì bên cạnh những khoản thu do nhà trường “tranh thủ” cũng có những khoản thu xuất phát từ sự tự nguyện thực sự của phụ huynh để góp phần chia sẻ khó khăn với nhà trường.

PHẠM ANH - QUỐC VIỆT

Được ủng hộ bằng hình thức thích hợp

Dự thảo Điều lệ ban đại diện CMHS được xây dựng theo đúng tinh thần Điều 105 Luật Giáo dục. Theo đó, “ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Nhiệm vụ và quyền của ban đại diện CMHS không liên quan trực tiếp đến việc xây dựng cơ bản hay mua sắm trang thiết bị cho nhà trường. Việc quy định ban đại diện CMHS không được thu các khoản như mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; hoặc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường là nhằm tránh tình trạng một số nhà trường lảng tránh trách nhiệm, đứng sau danh nghĩa CMHS để tổ chức việc đóng góp không tự nguyện của người học và gia đình người học.

Khoản 4 Điều 104 Luật Giáo dục quy định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ cho giáo dục; đóng góp, tài trợ, ủng hộ tiền hoặc hiện vật để phát triển sự nghiệp giáo dục được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp”. Như vậy, theo điều luật này, những người hảo tâm (trong đó có thể có CMHS) vẫn có thể ủng hộ trực tiếp cho nhà trường và nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các nguồn hỗ trợ đó theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Ông VŨ ĐÌNH CHUẨN,Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học
- Bộ GD&ĐT

BẢO PHƯỢNG ghi

Lập quỹ khuyến học

Ở các TP lớn, tôi cho rằng chỉ có 20% phụ huynh gặp khó khăn khi phải đóng góp các khoản thu của quỹ hội PHHS. Có nên vì nhóm người đó mà tự hạn chế, trói buộc để không huy động sự đóng góp của 70%-80% số gia đình có điều kiện đóng góp để con em được học tập trong điều kiện tốt hơn?

Vừa rồi, trong họp giao ban với Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã đề xuất với Bộ là thí điểm xây dựng quy chế hoạt động của quỹ khuyến học của các trường. Quỹ này sẽ không huy động 100% phụ huynh đóng góp. Thay vì thu bình quân 1 triệu đồng/người như hiện nay, quỹ sẽ kêu gọi các vị phụ huynh có điều kiện kinh tế đóng góp và có thể có người góp đến 20-30 triệu đồng.

Ông NGUYỄN KIM HOÃN, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Khi Nhà nước thực hiện xã hội hóa giáo dục thì nguồn đóng góp từ phụ huynh rất quan trọng. Đây là thực tế khó chối bỏ. Vấn đề là cách thu phải hợp lý, rõ ràng, tránh cào bằng, áp đặt.

Do quỹ PHHS các trường chỉ thu một năm chỉ 200.000-300.000 đồng/học sinh nên phần đông phụ huynh góp tiền trên tinh thần tự nguyện và ít khi phàn nàn, học sinh nào quá khó khăn thì giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban đại diện cũng không yêu cầu đóng góp. Với những công trình lớn, cần đóng góp tiền triệu, các ban đều có giải thích cho thông suốt để có nhiều ý kiến thống nhất.

Để hạn chế những biến tướng không hay trong việc thu quỹ PHHS, ban giám hiệu nhà trường (chủ yếu là hiệu trưởng) phải thường xuyên nhắc nhở ban cố gắng thực hiện trên tinh thần tự nguyện và hoạt động độc lập với nhà trường. Trường hợp để xảy ra điều tiếng, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm về vụ việc.

Ông LÊ HOÀI NAM, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Q.VIỆTghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm