Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, công tác xét tuyển ĐH năm nay dự kiến có nhiều điểm thay đổi đáng chú ý nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh, hạn chế thí sinh (TS) trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, chính những điểm mới này đã đặt ra không ít băn khoăn, lo lắng cho các cơ sở đào tạo.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ năm 2022 tại một trường đại học ở TP.HCM. |
Lọc ảo chung cho tất cả phương thức xét tuyển
Theo dự thảo, việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH năm nay sẽ được thực hiện trực tuyến trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT và cổng dịch vụ công quốc gia.
Những năm trước, TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH cùng lúc với đăng ký thi tốt nghiệp THPT và được điều chỉnh lại sau khi biết điểm thi. Nhưng năm nay, các em có thể đăng ký sau khi đã thi tốt nghiệp, thậm chí khi đã biết điểm.
Theo lý giải của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), thay đổi này giúp các em có đủ tham số, từ kết quả tốt nghiệp đến việc tìm hiểu kỹ các ngành, trường để sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp.
Tuy nhiên, dù các nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức nào thì đều cùng một hệ thống để lọc ảo chung. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Bộ GD&ĐT cũng dự kiến điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống. TS không cần phải phôtô công chứng hồ sơ, trường THPT không phải xác nhận hồ sơ xét tuyển mà chỉ cần kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành.
Một điểm mới khác đáng chú ý trong dự thảo là năm nay các trường không được yêu cầu TS xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình chung của bộ, mà chỉ được phép công bố và tải danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, TS chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Đẩy khó về cho các trường?
Đánh giá cao những thay đổi của năm nay, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng dự thảo có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để tạo điều kiện tốt hơn cho TS cũng như công tác xét tuyển của các trường ĐH.
Cụ thể, theo Tiến sĩ Lý, điểm học tập THPT được cập nhật trên toàn bộ hệ thống là một điều tích cực, vì với việc số hóa dữ liệu sẽ tiết kiệm chi phí, công sức của cả TS, trường THPT và các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch của công tác tuyển sinh ĐH.
Đặc biệt, theo Tiến sĩ Lý, điểm nổi bật của năm nay là Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng phần mềm lọc ảo chung với tất cả phương thức xét tuyển vào tất cả trường để hạn chế tình trạng một TS trúng tuyển vào nhiều trường như mọi năm.
“Với thay đổi này, TS phải xác định rõ ngành/trường mà mình yêu thích và có khả năng đậu cao nhất ở tất cả phương thức, tránh được hiện tượng một TS rải hồ sơ ở nhiều trường với nhiều phương thức khác nhau, vì những năm trước các trường rất đau đầu về việc ảo này nên nhiều trường đã phải gọi trúng tuyển với tỉ lệ trên 200% ở một số ngành” - Tiến sĩ Lý chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng việc bộ dự kiến tổ chức lọc ảo chung cho tất cả phương thức là khó khả thi và đẩy khó về cho TS lẫn các trường. Vì ở mỗi phương thức xét tuyển, ở mỗi trường khác nhau có nhiều tiêu chí khác nhau dẫn đến nếu muốn lọc ảo, dữ liệu phải nhập lên hệ thống rất lớn. Nhất là trong thời gian ngắn như hiện nay, khi các trường chưa có được danh sách dự kiến trúng tuyển.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng theo dự thảo, năm nay bộ đã quy định rõ ràng giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu…
Theo ông Sơn, những quy định thế này đã khiến các trường phải chú trọng công tác tuyển sinh và đào tạo bài bản cũng như giải trình với xã hội, nếu không thì sẽ làm cho “bị lỗi” các sản phẩm mình tạo ra.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, điều khiến ông băn khoăn nhất trong dự thảo là TS đã dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm, sau đó phải tiếp tục đăng ký và sắp xếp nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT để lọc ảo. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo của các trường.
“Việc này cũng giúp cho nhà trường bớt TS ảo nhưng thực ra không giúp TS vì sẽ khiến các em thêm rối trong việc chọn nguyện vọng, chọn ngành. Theo tôi, bộ không nên can thiệp lọc ảo ở các phương thức riêng của các trường, mà chỉ cần kiểm tra lại sau khi tuyển sinh xong có đúng với chỉ tiêu công bố hay không là được. Còn việc tuyển sinh ở các trường, TS ảo là khó tránh khỏi, ít hay nhiều phụ thuộc vào uy tín, chất lượng đào tạo từng trường thôi” - ông Sơn chia sẻ.•
Thí sinh không xác nhận nhập học đúng hạn sẽ bị hủy kết quả
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo gửi giấy thông báo cho những TS trúng tuyển nhập học, trong đó ghi rõ những thủ tục cần thiết đối với TS khi nhập học và phương thức nhập học của TS.
Việc xác nhận nhập học phải được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống. Trong trường hợp cơ sở đào tạo quy định TS xác nhận nhập học bằng hình thức khác (qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo hoặc có thể kết hợp trong quy trình nhập học), cơ sở đào tạo phải thực hiện việc xác nhận nhập học cho TS trên hệ thống.
Nếu TS không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng thì coi như TS từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.
TS đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo thì không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.