Đến Thành cổ Quảng Trị vào những ngày tháng 7 này, từ sáng sớm nhà đón tiếp khách đã rộn rã tiếng người. Sau nghi thức hành hương tại đài tưởng niệm, các đoàn khách tiếp tục đi tham quan nhà bảo tàng và xem những thước phim về những hình ảnh, kỷ vật chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Trong những bức ảnh được trưng bày tại bảo tàng, chúng tôi bị cuốn hút trước bức ảnh một cụ già chèo đò với nụ cười hào sảng, bên cạnh là một thiếu nữ tay ôm chắc súng và hàng chục chiến sĩ bộ đội giải phóng ai nấy đều tươi cười. Chính những nụ cười ấy càng thúc giục chúng tôi đi tìm hiểu những người trong tấm hình ấy là ai? Liệu bây giờ ai còn ai mất?
Cô lái đò trên dòng Thạch Hãn
Chúng tôi tìm đến nhân viên bảo tàng thì được biết bức ảnh đó do cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp vào thời điểm đang diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Người lái đò với nụ cười hào sảng trong bức ảnh là cụ Nguyễn Con (quê ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) và người thiếu nữ tay ôm súng là bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1954, con dâu cụ Con). Điều khiến chúng tôi vui mừng là người thiếu nữ ấy hiện vẫn còn sống.
Bà Nguyễn Thị Thu. Ảnh: NGUYỄN DO
Theo chỉ dẫn từ nhân viên bảo tàng, chúng tôi tìm về làng Giang Hến nay thuộc Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong với mong muốn được gặp và nghe bà Thu kể về những ký ước của người con gái du kích ngày nào.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Thu đem ra những bức ảnh kỷ niệm thời chiến đã ố vàng mà phóng viên chiến trường đã chụp bà xuôi dòng Thạch Hãn đưa bộ đội sang sông. Vừa mân mê những tấm hình, bà vừa kể: Năm 1972, quân Mỹ dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm lại Thành cổ. Thời điểm đó muốn đưa được bộ đội vào Thành cổ nhanh và an toàn chỉ có một con đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, việc này hết sức khó khăn và nguy hiểm giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù.
Khi ấy bà Thu mới 18 tuổi, lúc làm lễ dạm hỏi với con trai cụ Con cũng là thời điểm bà vào du kích. Ba tháng sau, bà nhận nhiệm vụ làm giao liên, cùng cụ Con chèo đò chi viện cho Thành cổ. “Ngày đó máy bay địch lượn suốt ngày ở trên sông. Dòng Thạch Hãn lúc nào cũng đục ngầu vì bom đạn trút xuống. Có lần đò đang qua sông thì bị phục kích, các chiến sĩ giục hai cha con nhảy xuống sông bơi vào chỗ an toàn chúng tôi vẫn quyết bám đò”, bà Thu nhớ lại.
Trong những chuyến đò vượt sông ngày ấy, đã có rất nhiều chiến sĩ không may hy sinh. “Những chiến sĩ đó còn rất trẻ, có người chỉ vừa mười tám đôi mươi. Tôi vẫn nhớ có một lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên một tiếng “mẹ ơi” rồi trút hơi thở cuối cùng”, bà Thu kể lại.
Cứ vậy, ròng rã suốt 81 ngày đêm dưới mưa bom bão đạn, bà Thu không nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến đò chi viện lương thực, vũ khí và đưa bộ đội của ta vào chiến trường. Bà cũng không nhớ nổi bao nhiêu lần chứng kiến những mất mát đau thương.
Giữa tháng 9-1972, trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ kết thúc. Năm 1975 đất nước thống nhất, hai cha con lão ngư Nguyễn Con quay trở lại cuộc sống đời thường, lấy công việc cào hến trên sông Thạch Hãn để mưu sinh. Cụ Con vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật nên đã qua đời năm 1978.
Lặng lẽ đời thường
Những năm sau cuộc chiến, bà Thu không hề biết về tấm ảnh có hình mình và cha chồng được in trên các báo. Sau này, qua một người cùng làng bà mới biết tấm hình đó được in lớn trên sách báo. Vợ chồng bà Thu tìm cắt một tấm hình trên báo, đóng khung rồi treo trang trọng trong nhà vừa để làm kỷ niệm vừa để làm ảnh thờ cho cha. Mãi đến năm 2007, khi nhà báo Đoàn Công Tính tìm gặp lại bà hai người mới nhận ra nhau. Bức hình được ông Tính phóng lớn rồi tặng cho gia đình.
Bức ảnh có cụ Con và bà Thu do cự phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp được trưng bày tại nhà bảo tàng Thành cố Quảng Trị. (Ảnh tư liệu)
Trở về sống cuộc đời bình dị nhưng bà Thu vẫn hay bị ám ảnh bởi cảnh bom đạn, chết chóc. Trong chiến tranh, dù không bị thương nhưng nhiều lần bị sức ép của bom đạn khiến bà bất tỉnh nên giờ sức khỏe và trí nhớ của bà giảm sút đi nhiều. “Nhiều đêm nằm ngủ bà ấy vẫn hay giật mình. Sức khỏe giờ cũng đã yếu nhiều nên ở nhà chỉ phụ giúp chăn nuôi lợn, gà. Cuộc sống của gia đình tôi cũng vất vả, phụ thuộc cả vào công việc cào hến may nhờ rủi chịu ở con nước trên sông Thạch Hãn”, ông Nguyễn Câu (chồng bà Thu) tâm sự.
Khó khăn là vậy, thế nhưng vượt qua tất cả, hai vợ chồng bà Thu đã cùng nhau xây dựng tổ ấm với bốn người con nay đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định.