Tôi có ý định tìm gặp Tiến sỹ Hoàng Lê Minh từ lâu nhưng vì gia đình anh định cư và công tác trong TP Hồ Chí Minh nên ý định đó tôi chưa thể thực hiện. Thì thật bất ngờ, khi tôi viết bài về thầy Tôn Thân, người thầy giáo đầu tiên của những học sinh giỏi toán, trong đó có Giáo sư Ngô Bảo Châu, thầy Tôn Thân cho tôi hay, Hoàng Lê Minh đã ra Hà Nội ngót hai năm nay rồi.
Tiến sĩ Hoàng Lê Minh.
Hoàng Lê Minh cũng là một học trò ưu tú của thầy Tôn Thân. Anh là học sinh đầu tiên của Việt Nam mang về cho Tổ quốc chiếc huy chương vàng toán quốc tế vào mùa hè năm 1974. Rồi thầy Tôn Thân điện thoại cho Hoàng Lê Minh, liên hệ giúp cho tôi gặp anh...
Chỉ ba tuần học thầy Tôn Thân đã khiến cậu học trò nhỏ Hoàng Lê Minh thay đổi lạ kỳ. Một tình yêu toán học bắt đầu trỗi dậy trong trái tim non nớt của Hoàng Lê Minh. Anh bắt đầu say mê toán, nhận ra vẻ đẹp đằng sau những phép toán. Sau này nhớ lại, anh từng viết rằng: "Ba tuần học với thầy Tôn Thân đã làm suy nghĩ của tôi hoàn toàn thay đổi. Thầy truyền cho chúng tôi tư duy sáng tạo và niềm say mê môn toán. Thầy cũng chỉ cho tôi cái hay cái đẹp của môn học mà tôi vốn coi là khô khan, trừu tượng…". Thế mới biết, người thầy quan trọng với học trò đến mức nào. |
Năm ấy (1974) cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đi vào giai đoạn quyết định, vô cùng ác liệt, đạn bom đỏ lửa trên chiến trường thì cái tin 5 học sinh của Việt Nam mang về 4 chiếc huy chương toán quốc tế, trong đó có 1 HCV của Hoàng Lê Minh đã trở thành một sự kiện lớn, như hâm nóng, tiếp thêm sức mạnh chí khí cho người Việt Nam.
Lần đầu tiên chúng ta có đoàn dự thi toán quốc tế và kết quả của đoàn Việt Nam vượt xa đoàn Mỹ. Sự kiện Hoàng Lê Minh khi ấy tựa như sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu bây giờ. Chính Hoàng Lê Minh đã tâm sự rằng, hồi đó cả nước đã dấy lên phong trào thi đua học tập các anh, tạo một hiệu ứng tích cực trong toàn ngành Giáo dục suốt một thời gian dài.
Nhiều người đặt câu hỏi, sau tấm huy chương vàng đó, Hoàng Lê Minh ở đâu và làm gì? Nghe tôi nói vậy, TS. Hoàng Lê Minh cười rộn ràng: "Thật ra tôi vẫn "hiện hữu" ở rất nhiều "vai" khác nhau giữa TP HCM ồn ào sôi động, khi làm nhà khoa học, lúc là thầy giáo, lúc lại làm quản lý. Nhưng rồi bây giờ khi gia đình đã ổn định, con cái trưởng thành rồi, tôi lại trở ra Hà Nội, bắt đầu cuộc sống một mình "cơm niêu nước lọ". Nhiều anh em bạn bè ra Hà Nội được một hai năm, họ lại phải quay trở lại Sài Gòn, họ không hợp với nhịp sống chậm rãi của Hà Nội. Còn tôi, ra đây hai năm rồi và vẫn thấy rất ổn. Có lẽ tôi vẫn còn duyên với Hà Nội chăng?".
TS. Hoàng Lê Minh hiện là Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Viện sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách, dự án phát triển trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Lĩnh vực này vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng vẫn là phát triển theo kiểu thương mại, tự phát mà thiếu tính chiến lược. Anh ra Hà Nội và gần như phải gây dựng từ đầu. Nhưng anh tin, trong 5 năm tới, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số do anh phụ trách sẽ phát triển bền vững...
Khi tôi hỏi anh còn nhớ nhiều về những kỷ niệm toán học một thời Trường Trưng Vương, thì TS. Hoàng Lê Minh nói rằng, đó là một tuổi học trò quá đẹp và thánh thiện. Bố anh là ông Hoàng Xuân Tuỳ, hồi đó là Thứ trưởng Bộ Đại học, từng là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa giai đoạn 1961 - 1966. Mẹ anh công tác trong đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị gái anh cũng theo học nhạc. Vậy là, không có cớ gì mà Hoàng Lê Minh không học nhạc, cũng là cách để làm hài lòng cha mẹ. Lúc đó, Hoàng Lê Minh nào có biết toán học là gì, anh quá thờ ơ với nó. Nhưng rồi, cuộc đời luôn là những ngã rẽ bất ngờ như định mệnh. Mùa hè năm học lớp 6, anh được bố mẹ gửi vào học thêm ở lớp toán do thầy Tôn Thân phụ trách.
Sau lớp học hè đó, Hoàng Lê Minh thi vào lớp chuyên toán của thầy Tôn Thân ở Trường Trưng Vương. Anh cho hay, hồi đó thi vào lớp chuyên khó vô cùng, cả thành phố mới lựa được 30 học sinh, là những em thật sự có năng khiếu. Hồi đó, mỗi ngày đến trường với anh đúng là một ngày vui. Giáo dục thì bình đẳng, lớp học là một cộng đồng tập thể đoàn kết và đầy sáng tạo học tập. Vui nhất là những giờ giải toán, thầy ra đề khó, trò ở dưới cặm cụi tìm lời giải đẹp. Trò nào giải được lời giải hay nhất thì cả lớp đứng dậy vỗ tay cổ vũ như cổ vũ nghệ sỹ trên sân khấu. Ai cũng khao khát có được lời giải đẹp nhất.
Thầy Tôn Thân còn có quà cho những lời giải đẹp. Anh nhớ mãi những giờ học toán có cả phóng viên Báo Thiếu niên tiền phong đến dự với phong trào Bóng nhựa, Bút thép, họ cùng học với các học sinh giỏi toán. Mọi khát vọng chinh phục đỉnh cao toán học, mọi ước mơ học trò thời đó sao mà trong trẻo.
Năm 1972, lúc đó Hoàng Lê Minh đang học chuyên toán ĐH Tổng hợp, nhưng vì điều kiện chiến tranh cả lớp phải sơ tán lên huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Anh và các bạn phải học trong đình, trong chùa, học nhờ nhà dân, bữa cơm chỉ có cơm độn và rau rừng, sách vở thì khan hiếm, lúc nào anh và mọi người cũng trong tình trạng đói sách. Được ai cho cuốn sách nào, dù là sách nước ngoài, anh và mọi người đều nâng niu trân trọng, mượn từ điển dịch sách vì lúc đó chưa ai được học ngoại ngữ...
Nhắc đến kỳ thi toán quốc tế đầu tiên, TS. Hoàng Lê Minh xúc động thật sự. Bởi ngày đó đội tuyển toán đi thi mà không phải chịu bất cứ áp lực gì, rất trong sáng. Anh nhớ, ngày đó đoàn học sinh Việt Nam ai trông cũng ốm yếu, do ăn uống kham khổ. Trước kỳ thi, Bộ Đại học cho đoàn mượn một phòng khách để ôn luyện, được ăn uống thoải mái ở Tràng Tiền, bữa nào cũng có đầy thịt cá. Xúc động nhất là Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu đã chăm chút cho các học sinh trong đoàn từng tí một. Bộ trưởng dành cho các anh những cuốn sách tốt nhất. Những lúc rảnh, Bộ trưởng đến gặp gỡ từng người hỏi han gia đình và kể cho các học sinh trong đoàn câu chuyện về những nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, như ngầm kích thích hoài bão vươn lên trong từng người.
Nhớ lại kỷ niệm với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, TS. Hoàng Lê Minh cho rằng, chính sự quan tâm rất cụ thể của Bộ trưởng đã khiến anh say mê lao vào những bài toán hóc búa. Khi đoàn chuẩn bị lên đường đi thi ở CHDC Đức, Bộ trưởng còn dặn dò từng em rằng, đi thi phải thật thoải mái và trung thực, không vì bất cứ danh hiệu nào mà gian dối trong làm bài. Sau này, một số người bạn học rất giỏi của Hoàng Lê Minh có vấn đề về lí lịch, không được đi học nước ngoài, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã đứng ra bảo lãnh cho họ, giúp họ thực hiện được khát vọng của mình. Có lẽ chính điều đó đã làm cho TS. Hoàng Lê Minh luôn khẳng định với tôi, giáo dục thời đó là tuyệt vời nhất.
Hoàng Lê Minh (ngoài cùng bên phải, hàng trên) cùng đội tuyển tham dự Toán quốc tế năm 1974.
Năm 1974, trước khi sang Đức đi thi toán quốc tế, Hoàng Lê Minh và mọi người trong đoàn được qua Liên Xô, được ở trong Trường THPT của Làng Gorky (nơi Lê nin mất). Lại những ngày được ăn uống thoải mái, được đi thăm hội chợ hoa, được sống trong nhà những người Nga đôn hậu, được những thầy giáo Nga cho học chung với đoàn của Nga, với học trò Hoàng Lê Minh cũng là những ngày đẹp nhất. Các học sinh của Việt Nam bước vào kỳ thi với tâm trạng cực kỳ thoải mái.
Đến sát lúc trao giải, anh và mọi người mới được thầy Lê Hải Châu thông báo giải thưởng: Hoàng Lê Minh giải nhất, Vũ Đình Hòa giải nhì, Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng giải ba. Nhưng phải đến khi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ tại Phủ Chủ tịch, được Thủ tướng chiêu đãi ăn phở, lúc đó Hoàng Lê Minh mới cảm nhận được trách nhiệm của mình sau hào quang của tấm huy chương vàng. Nó không còn là niềm vui của riêng anh nữa.
Có người đã nói rằng, cuộc đời của Hoàng Lê Minh thảm đỏ trải rộng và đầy hoa hồng cũng không sai. Bởi sau khi đoạt huy chương vàng, anh được cử đi học tại ĐH Tổng hợp Lomonoxop của Liên Xô, một trường đại học mà ngàn vạn học sinh của ta thời bấy giờ mơ ước. Sau đó anh làm nghiên cứu sinh, rồi cộng tác với nhiều viện khoa học danh tiếng của Pháp, Anh, Italia. Nhưng nói thế chưa đủ, vì không có gì tự dưng đến nếu như ở anh không có sự lao động nghiêm túc, nỗ lực say mê nghiên cứu khoa học. Ở nước ngoài, Hoàng Lê Minh đã chứng tỏ được mình ở các viện khoa học hàng đầu.
Nhưng rồi, một bước ngoặt nữa lại xuất hiện trong cuộc đời Hoàng Lê Minh. Năm 1987, anh quyết định bỏ qua tất cả mọi cơ hội ở nước ngoài với mức lương khoảng 2.000 USD/tháng, để trở về quê hương. Lý do của Hoàng Lê Minh thật đơn giản: "Gia đình cần tôi, học trò cần tôi, đất nước cũng cần tôi chung tay góp công sức và trí tuệ".
Hoàng Lê Minh trở thành giảng viên ĐH Tổng hợp TP HCM. Năm 2000, anh tham gia nhóm nghiên cứu công tác giúp UBND TP HCM xây dựng Khu Công viên Phần mềm Quang Trung. Năm 2001, anh tham gia xây dựng Dự án Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP HCM, để rồi sau đó được cử làm Giám đốc khu công nghệ phần mềm này. Anh còn giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP Hồ Chí Minh và đến năm 2008, anh chuyển ra Hà Nội làm Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam.
Thoáng chút ưu tư, TS. Hoàng Lê Minh cho rằng, trong số những học sinh giỏi toán năm xưa có lẽ chỉ còn 10% làm công việc thuần về toán học, 40% làm những lĩnh vực có liên quan đến toán, số còn lại chuyển hẳn sang làm kinh tế, kinh doanh, xã hội học. Theo anh, điều đó cũng hợp quy luật. Bản thân anh cũng chuyển sang làm "toán ứng dụng", đi về công nghệ thông tin và phần mềm.
Ở nước phát triển, các nhà khoa học làm toán như làm một nghề, vì phía sau họ có chính phủ bảo trợ, được trả lương ưu đãi. Còn Việt Nam, không thể làm toán chỉ với một niềm say mê, nên nhiều người đã bỏ nghề. Đó là chưa kể họ không có môi trường nghiên cứu, không có nhóm làm việc, trong khi học toán lý thuyết vô cùng khó mà nhu cầu thì lại không nhiều. Ngay cả việc thành lập Viện toán học cấp cao, theo TS. Hoàng Lê Minh vẫn là một chặng đường dài phía trước, nhưng để Viện hoạt động hiệu quả thì phải tính ngay đến việc sẽ trả lương cho các nhà khoa học ở đây như thế nào?
Trước khi tạm biệt TS. Hoàng Lê Minh, tôi có chuyển cho anh một câu hỏi, đúng hơn là một lời tâm sự của bạn đọc. Họ cho rằng, Hoàng Lê Minh có điều kiện thuận lợi nhất, được học hành bài bản, được thừa hưởng truyền thống gia đình gia giáo, khoa học, nhiều người kỳ vọng chúng ta sẽ có một Hoàng Lê Minh đoạt "Nobel" toán học, nhưng cuối cùng điều đó không xảy ra. Vậy đây có phải là "vang bóng một thời hay không?".
Lại một thoáng ưu tư hiện lên phía sau làn kính cận trắng lấp loá, nhưng rồi TS. Hoàng Lê Minh rất thẳng thắn cho hay: "Nếu nói tôi, hay Lê Bá Khánh Trình vang bóng một thời là không đúng, bởi chúng tôi vẫn đang từng ngày cống hiến hết sức mình cho đất nước. Không nên hiểu, có cái này là phải có cái kia, có huy chương vàng là phải có "Nobel" toán học, hai việc đó không ràng buộc nhau như vậy. Theo tôi, không nên kỳ vọng quá, cũng không nên quá coi trọng thành tích, quan trọng là đào tạo được những người có ích cho xã hội. Điều này tôi đã và đang làm. Tôi cũng không chạnh lòng, mà hoàn toàn thỏa mãn với những gì mà tôi đã nỗ lực để có được như ngày hôm nay. Với môi trường làm việc của Việt Nam, tôi nghĩ mình hoàn toàn thành công". |
Theo Thu Phương (CAND)