GĐ Sở Y tế TP.HCM: Sự gia tăng của dịch COVID-19 ở TP là 'không bất ngờ'

Sáng ngày 8-12, kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X đã tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng về công tác phòng chống dịch COVID-19.

chat-van-gd-so-y-te

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng trả lời phiên chất vấn trước HĐND TP.HCM, sáng 8-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mở đầu phiên chất vấn, ông Tăng Chí Thượng đã thông tin về công tác phòng chống dịch thời gian qua. Ông cho biết hiện nay trên toàn TP.HCM đang quản lý chăm sóc 85.000 F0, trong đó có 66.000 F0 đang điều trị tại nhà, hơn 5.300 F0 tại cơ sở cách ly phường xã, thị trấn và tại tầng 2, số F0 đang điều trị là 11.692 trường hợp, tầng 3 có 1.800 trường hợp. Có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn rất nặng.

“So với khoảng đầu tháng 9 khi dịch bùng phát dữ dội với 154.000 F0 thì bây giờ còn 85.000 F0 thì giảm hơn một nửa. Khác biệt là số cách ly tại nhà hiện nay rất nhiều” – ông Thượng nói.

Theo ông Thượng, đợt dịch bùng phát vào tháng 9 có ngày 1.500 trường hợp thở máy, thì hiện nay chỉ có 400 trường hợp thở máy.

Tuy nhiên, trong vòng một tháng qua tình hình dịch có dấu hiệu gia tăng, số ca nặng tử vong cũng tăng trở lại. “Nếu lấy số liệu ba tuần liên tục sẽ thấy rõ sự gia tăng này. Từ 12-11 đến 18-11 có 8.432 ca mắc mới, tuần sau có 8.721 ca và tuần gần đây nhất có 9.300 ca mắc mới. Cả ba tuần đó số ca mắc mới đều nhích lên” – ông Thượng nói và cho rằng sự gia tăng của dịch không có gì bất ngờ khi TP.HCM mở cửa trở lại làm tăng sự giao tiếp, tiếp xúc.

Hiện nay, TP.HCM đánh giá theo cấp độ dịch thì vẫn ở cấp 2 dù có số ca mắc tăng lên. Tuy nhiên, ông Thượng cho biết về phía y tế muốn cảnh báo vẫn còn trong giai đoạn dịch, tạm thời kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc mới tăng lên, ca nặng và tử vong tăng nhẹ. “Mỗi ngày số ca tử vong còn diễn ra chứ chưa thực sự cải thiện bình thường như trước dịch” – ông Thượng nói.

Về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết TP.HCM sẽ tăng cường kiểm soát dịch tại từng địa bàn phường xã, thị trấn; ban hành quy trình xử lý F0 tại cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngoài cộng đồng và trong các trường học.

Cùng với đó sẽ tăng cường kiểm soát dịch tại cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất, hàng hải, người về từ vùng có biến chủng Omicron. TP.HCM cũng tăng cường quản lý F0 tại nhà với việc lập 382 trạm y tế lưu động hỗ trợ cho các quận, huyện có số F0 cao... Phân bổ gói thuốc C, đặc trị đến trường hợp F0 có triệu chứng.

Về công tác điều trị, ông Thượng cho biết Sở Y tế xây dựng kịch bản 7 tình huống tương ứng với số F0 tăng dần. Ngành y tế duy trì bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 và dã chiến. Lập thêm bệnh viện dã chiến quận, huyện để bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực bệnh viện tầng 2-3 và xây dựng mô hình 3 tầng trong một bệnh viện, phân luồng để chuyển tuyến dễ dàng, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19.

Về chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, ông Thượng cho biết khi phân tích ca tử vong thì điểm chung là tập trung ở người cao tuổi (trên 90% là trên 50 tuổi); có bệnh nền, phổ biến là tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận gan và điều trị ung thư; người chưa tiêm vaccine (52-54% hoàn toàn chưa tiêm vaccine).

Do vậy, chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ tập trung vào hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhóm này bằng cách tiêm vaccine (tiêm đủ, tiêm bổ sung, tiêm nhắc); tăng cường biện pháp 5K.

Thứ hai là phát hiện điều trị sớm và theo dõi từ xa với các giải pháp như đi từng ngõ, gõ từng nhà; cập nhật danh sách nhóm nguy cơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm