Mức giá nước sạch của Nhà máy nước Sông Đuống bán cho người dân thủ đô Hà Nội tạm tính là 10.246 đồng/m3, trong đó có 2.003 đồng trả lãi vay của nhà đầu tư. Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Cách lý giải này rất khó chấp nhận".
ĐB Sinh đặt nghi vấn đầu vào “có vấn đề”. Cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công thì khi chọn lựa phải yêu cầu sản phẩm đầu ra phải là chất lượng, đảm bảo môi trường, giá thành hợp lý, rẻ nhất càng tốt và không được thất thoát. Còn nhà đầu tư muốn đầu tư bao nhiêu, theo cách thức nào là việc của họ.
Về vấn đề nước sông Đuống tăng giá lúc xảy ra vụ đổ dầu vào nước sông Đà, ông Sinh cho là không hợp lý. Ông nhấn mạnh: “Người dân chỉ biết rằng 1 m3 nước sạch đạt tiêu chuẩn thì hết bao tiền và giá đó không thể cao hơn một mặt bằng chung. Nếu tăng thì anh phải có lý giải thuyết phục”.
ĐB Đỗ Văn Sinh nói nước sạch tại Hà Nội mà giá trên 10.000 đồng/m3 là khó chấp nhận.
Theo ĐB Sinh, quan trọng nhất là đấu thầu đấu giá cuối cùng sản phẩm đầu ra một cách công bằng nhất, minh bạch nhất. “Hiện nay, giá mặt bằng chung nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng/m3. Bất ngờ anh lại đưa ra mức giá đắt hơn 2.000 đồng thì phải có lý do chính đáng, chứ không phải lý giải theo kiểu nó phải như thế” - ông Sinh nhận định.
Ông Sinh cho rằng các dịch vụ công nếu cho tư nhân vào thì phải có giá cả hợp lý và chọn được nhà đầu tư tốt nhất, Nhà nước không cần phải chỉ định phải thế này hay thế kia.
“Hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì người dân phải trả tiền cho dịch vụ nên họ phải được cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch. Nếu giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra tình trạng như BOT giao thông thời gian qua” - ông Sinh nói.
Ông cũng cho rằng phải thanh tra, kiểm tra… về cách tính giá nước sông Đuống.
“Để làm rõ có việc thiên vị hay cạnh tranh không lành mạnh hay không, tốt nhất là mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán, thậm chí thông tin cho người dân tạo sự đồng thuận” - ĐB Sinh nói.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng cần tính toán lại chuyện tăng giá nước nhưng không phải ở thời điểm nhạy cảm này.
Về chiếc xe chở dầu đi lòng vòng rồi đổ dầu vào nguồn nước sông Đà, ĐB Trí cho rằng: “Việc tìm chỗ để mà đổ dầu vào nguồn nước sông Đà rất đáng nghi vấn, chứng tỏ người mang dầu đi đổ phải có tính toán. Không loại trừ khả năng để hạ bệ nhau, công an cần phải làm rõ được việc này”.