Gia sư áo xanh ươm mầm tương lai

(PLO)- Nhằm giúp đỡ những học sinh là trẻ em mồ côi do COVID-19, năm 2022, chương trình gia sư áo xanh tiếp tục có mặt tại nhiều điểm tại TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-7, một buổi dạy học trực tiếp của những "gia sư áo xanh" do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM phối hợp với Ban Công nhân lao động Thành Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP đã được tổ chức tại khu lưu trú công nhân quận 7, TP.HCM.

Toàn cảnh lớp học tại quận 7. Ảnh: VÕ THƠ
Toàn cảnh lớp học tại quận 7. Ảnh: VÕ THƠ

Năm 2022, chương trình gia sư áo xanh tiếp tục có mặt tại nhiều địa điểm ở TP.HCM nhằm giúp đỡ con em thanh niên công nhân, người lao động khó khăn có học lực trung bình, có tinh thần vượt khó, phụ đạo kiến thức thường xuyên trong năm học.

Để các bé cảm nhận được sự gần gũi

Ngoài phụ đạo kiến thức, các gia sư áo xanh còn dành thời gian quan tâm đến sức khỏe tâm thần, tình cảm, tâm lý các em học sinh để tìm ra cách kết nối, hỗ trợ các em trong quá trình học tập, sinh hoạt.

Thảo Nhi dạy một em nhỏ cách phát âm. Ảnh: VÕ THƠ.

Thảo Nhi dạy một em nhỏ cách phát âm. Ảnh: VÕ THƠ.

Nguyễn Thị Tuyết Mai (sinh viên năm hai, Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM) chia sẻ: "Do chưa có kinh nghiệm dạy học trước đó nên ban đầu việc truyền tải kiến thức cho các bé cũng gặp khó khăn. Do đó, trước mỗi giờ học mình thường trò chuyện với các bé, hỏi họ tên, sở thích, em thích học môn nào, em thích học cái gì…để các bé cảm nhận được sự gần gũi, từng bước mở lòng chia sẻ".

"Mình đã tham gia dạy được 5 buổi. Sau thời gian dạy mấy bé mình rèn luyện được tính kiên nhẫn. Có bé lớp 2 nhưng chưa được đi học nên còn rất chậm trong quá trình tiếp thu kiến thức, mình phải kiên nhẫn chỉ bảo từng bước.

Đối với mấy bé nhỏ cần phải thật kiên nhẫn để lắng nghe và hỗ trợ, nếu không rất khó để các bé hợp tác với mình" - Nguyễn Trần Thảo Nhi (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM), tâm sự.

Tuyết Mai ân cần trong giờ tập viết cùng một em bé. Ảnh: VÕ THƠ

Tuyết Mai ân cần trong giờ tập viết cùng một em bé. Ảnh: VÕ THƠ

Bên cạnh việc là một gia sư, các tình nguyện viên còn sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, câu chuyện riêng của các bé nhằm tạo được sự gần gũi, tin tưởng.

Chị Hồ Thị Lâm (ngụ quận 7) có hai con tham gia lớp học của gia sư áo xanh, chị cảm thấy rất an tâm khi gửi hai con cho lớp.

"Bé lớn nhà chị năm nay lớp chín, bé nhỏ sắp vào mẫu giáo. Mấy cô dạy bé học rất kỹ càng, nhiệt tình, vui vẻ. Bé nhỏ năm tuổi giờ cũng đã tập viết được, về nhà thì tự giác học bài, tập viết. Thấy mấy bé tiến bộ chị rất mừng" - chị Lâm chia sẻ.

Dẫn đường cho trẻ em nghèo

Xuất thân từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đội trưởng Lê Tấn Phát luôn ấp ủ mơ ước giúp các học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn TP.HCM.

Đồng hành với chương trình hai đợt, Tấn Phát có khá nhiều kinh nghiệm với các bé. "Đợt đầu mình tham gia là tháng chín năm 2021, đợt hai là hè năm 2022 này. Được phụ huynh tin tưởng và các bé thương yêu, mình càng có thêm động lực cố gắng dạy học. Thấy mấy bé có sự tiến bộ mình rất vui, thời gian tới mình sẽ sắp xếp thời gian, công việc để tiếp tục gắn bó với chương trình" - Tấn Phát vui vẻ.

Anh Lê Tấn Phát – đội trưởng gia sư áo xanh. Ảnh: VÕ THƠ

Anh Lê Tấn Phát – đội trưởng gia sư áo xanh. Ảnh: VÕ THƠ

Những nụ cười, những chiếc kẹo tuy là món quà giản dị nhưng cũng chính là động lực để đội ngũ gia sư áo xanh tiếp tục chặng đường phía trước, tiếp cận nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiến bộ trong học tập.

Anh Phạm Văn Thìn, cán bộ phòng tư vấn đào tạo Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP cho biết thêm: "Chương trình gia sư áo xanh vừa tạo cơ hội có các bé bồi dưỡng kiến thức vừa để các bạn sinh viên có cơ hội thử sức giảng dạy, tạo điều kiện tiếp xúc nhiều với thực tế.

Mỗi đợt trung tâm sẽ gửi phiếu đăng ký xuống các khu vực cho phụ huynh đăng ký, nơi nào có nhu cầu thì phối hợp để tổ chức dạy học. Học trực tuyến hay trực tiếp thì tùy theo nhu cầu của khu vực đó, trung tâm sẽ linh hoạt để tạo thuận lợi cho cả gia sư lẫn học sinh".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm