Vài phiên trở lại đây, giá vàng thế giới có thời điểm từ mốc 1.760 USD/ounce rơi một mạch mất 30 USD/ounce, sau đó nhanh chóng quay đầu tăng lên mức 1.750 USD/ounce.
Đầu giờ chiều nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới dao động quanh mức 1.750 USD/ounce, tăng 21 USD/ounce so với một ngày trước, tương đương tăng khoảng 600.000 đồng/lượng. Tính theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 49,3 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng thế giới bật tăng mạnh, giá vàng miếng SJC chỉ nhích thêm 70.000 đồng/lượng, giao dịch phổ biến ở mức 48,65-49,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 đồng/lượng.
Mặc dù giá vàng miếng tăng như “rùa” thì giá vàng nhẫn trơn, vàng nữ trang 24K lại tăng từ 200.000 đến 300.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý giao dịch mua bán ở mức 47,7-48,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua.
Khoảng thời gian cuối tháng 3 - đầu tháng 4 vừa qua, giá vàng nhẫn thấp hơn vàng miếng 2-3 triệu đồng/lượng thì cho đến thời điểm này, vàng nhẫn tròn trơn, vàng 24K chỉ còn thua vàng miếng khoảng 600.000 đồng/lượng.
Vàng từ lâu được xem là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong các giai đoạn căng thẳng, nhất là khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ mới công bố hồi đầu tháng 5, tỉ lệ lao động thất nghiệp trong tháng 4 tại Mỹ đã tăng lên 14,7%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ thẳng thắn thừa nhận tỉ lệ thất nghiệp thực tế có thể còn cao hơn. Theo CNN, tỉ lệ thất nghiệp 14,7% trong tháng 4 hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Nhu cầu tăng cường nắm giữ vàng đối với các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương các quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến hết tháng 4 vừa qua, lượng vàng nắm giữ tại Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR cũng đã lên khoảng 1.000 tấn.