Cùng chiều đi lên với giá vàng thế giới, song mức điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước cao hơn hẳn so với đà tăng của vàng ngoại.
Vàng miếng SJC, vàng nhẫn 9999 đồng loạt leo dốc
Hiện giá vàng miếng tại Công ty SJC, Công ty PNJ đồng loạt niêm yết giá mua bán ở mức 83,6 - 85,6 triệu đồng/lượng, tăng tới 900.000 đồng/lượng ở chiều mua nhưng chỉ tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Với việc điều chỉnh tăng giá không cân xứng đã giúp chênh lệch khoảng cách giữa giá mua vào – bán ra được thu hẹp từ 2,5 triệu đồng mỗi lượng trong nhiều ngày qua xuống còn 2 triệu đồng.
Tương tự, giá vàng nhẫn 9999 tiếp tục duy trì đà tăng. Vàng nhẫn tròn trơn đang được Công ty SJC ở mức 83,5 – 84,8 triệu đồng/lượng, tăng thêm 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất.
Như vậy, so với sáng nay, biên độ tăng của cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 9999 đều được điều chỉnh cao gấp đôi.
Giá vàng trong nước tăng chủ yếu bám theo xu hướng thế giới. Mỗi ounce vàng trên thị trường quốc tế dao động quanh ngưỡng 2.665 USD/ounce, tăng thêm khoảng 5 USD/ounce.
Trong phiên, có thời điểm giá kim loại quý quốc tế bật lên 2.675 USD/ounce và đang duy trì phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp. Quy đổi theo tỉ giá tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng ngoại tương đương 81,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC đang đắt hơn vàng thế giới 4,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới trong ngắn hạn sẽ ra sao?
Dự báo vàng trong ngắn hạn, giá vàng đã mất lực đẩy và chịu sức ép do các nhà giao dịch cân nhắc về sự cạnh tranh của các yếu tố như sức mạnh của đồng đô la, bất ổn địa chính trị và dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ.
Nhưng xét về dài hạn, vàng vẫn còn nhiều dư địa để tăng. Trong đó, bệ đỡ vững vàng nhất chính là nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào đã tăng vọt lên 60 tấn vào tháng 10.
Trong đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) giữ vị trí dẫn đầu về số lượng mua vào. Theo đó, RBI đã bổ sung thêm 27 tấn vàng , nâng tổng lượng vàng mua lên 77 tấn từ tháng 1 đến tháng 10.
Trong một động thái khác không khiến ai ngạc nhiên đó là Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tái gia nhập thị trường vàng và bổ sung thêm 5 tấn vàng trong tháng 11, chấm dứt thời gian tạm dừng kéo dài sáu tháng trước đó.
Ông Krishan Gopaul, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, hiện khối lượng dự trữ ngoại hối bằng vàng của Trung Quốc đã tăng lên 2.269 tấn.
Trước thời điểm tạm thời ngưng mua kéo dài sáu tháng, PBOC đã mua 34 tấn vàng trong năm nay và vẫn là một trong những tổ chức mua vàng nhiều nhất trong giai đoạn đầu năm 2024. Đáng nói là ngay cả khi đã miệt mài mua vàng, song hiện nay vàng vẫn chỉ chiếm chưa đến 6% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Đây là tỉ lệ nắm giữ vàng tương đối thấp so với các tài sản ngoại hối khác.
Ông Nitesh Shah, Trưởng phòng Nghiên cứu Hàng hóa & Kinh tế vĩ mô tại WisdomTree, cho rằng Trung Quốc cần nâng lượng vàng nắm giữ lên ít nhất 10%, thậm chí có thể tăng lên đến 20% trong tổng dự trữ ngoại hối chính thức của mình.
Ông Jesse Colombo, Nhà phân tích kim loại quý độc lập về thị trường vàng cho biết thêm: "Nhu cầu mua vàng một cách ổn định từ Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng dài hạn của kim loại quý. Đó là lý do vì sao tôi vẫn ủng hộ việc mua vàng khi giá rơi vào nhịp điều chỉnh giảm".
Theo Bank of America, giá vàng thế giới vẫn đang trên đà tăng và có thể đạt mức 3.000 USD/ounce vào năm tới, nhưng các nhà đầu tư sẽ cần phải kiên nhẫn vì giai đoạn lình xình như hiện nay có thể kéo dài đến hết nửa đầu năm 2025. Bởi hiện tại, vàng đang bị kẹt trong một môi trường không có bất kỳ yếu tố hữu hình nào để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Bất chấp những thách thức, các chuyên gia phân tích thị trường kim loại quý vẫn kỳ vọng vàng và bạc sẽ giữ vững đà tăng trong năm mới nhờ sự bất ổn kinh tế và biến động địa chính trị thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.