Giấc mộng vàng

Năm 2014, nữ kình ngư số một Việt Nam sẽ chinh phục ASIAD.

Kể từ sau chiếc HCV 100 m ếch của lão tiền bối Nguyễn Thị Sen tại GAFENO năm 1960, đằng đẵng hơn nửa thế kỷ, bơi lội nữ Việt Nam trắng tên trên các đường đua xanh đỉnh cao. Ngày 12-12-2013, kình ngư 17 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm rạng danh làng bơi lội nữ Việt Nam trên đấu trường quốc tế bằng hai chiếc HCV 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp cùng một kỷ lục SEA Games mới ở cự ly 200 m ngửa.

“Dị nhân” miền sông nước

Ðánh giá về cô gái miền quê sông nước Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nhận định: “Viên cao hơn 1,7 m nhưng có lợi thế sải tay dài gần 2 m, thuộc dạng hiếm của cả thế giới. Nguyễn Thị Ánh Viên là viên ngọc quý trời ban cho bơi lội Việt Nam. Có lẽ cả thế kỷ nữa, chúng ta cũng không có được một kình ngư sẵn tài năng thiên bẩm như Ánh Viên. Quan trọng hơn cả là cô còn rất trẻ để phát triển trong tương lai”.

Cô gái tuổi 17 này đã ba lần bước lên bục cao nhất tại SEA Games 27. Ảnh: NHƯ NGUYỆN

Không phải con nhà nòi, Ánh Viên bảo rằng cô biết bơi rồi mê bơi là do hằng ngày cùng ông nội lội sông. “Lúc đầu em cũng sợ nước lắm, nhưng học bơi rồi bơi cùng ông ở sông riết nên em dạn nước lúc nào không hay”, Ánh Viên bộc bạch. Tuy ông nội là người khai sáng, thể thao Quân đoàn 4 (trực thuộc Quân khu 9) là nơi đào tạo những ngày đầu nhưng người mở lối đi riêng cho Ánh Viên lại là HLV đội tuyển bơi lội quốc gia Ðặng Anh Tuấn. Tại giải Trẻ toàn quốc 2010, phát hiện tài năng thiên bẩm của Ánh Viên, HLV Anh Tuấn đã mạnh dạn đề xuất đưa em vào chương trình đầu tư thể thao đặc biệt của nhà nước (khác xa với chương trình thể thao trọng điểm của các địa phương).

Ngay lần đầu lên tuyển, Ánh Viên đã chinh phục 11 HCV, ghi tám kỷ lục lứa tuổi tại giải bơi Các nhóm tuổi Ðông Nam Á tranh tài tại Singapore. SEA Games 26 Indonesia, Ánh Viên chỉ khiêm tốn giành 2 HCB. Ðấy được coi là bước đệm để năm 2012, Nguyễn Thị Ánh Viên trở thành đại diện duy nhất của bơi lội Việt Nam đạt chuẩn tham dự đấu trường lớn nhất hành tinh Olympic London. Gần đây nhất, Ánh Viên xuất sắc giành 3 HCV Trẻ Á vận hội tại Nam Kinh (Trung Quốc). Chính thành tích xuất sắc này đã giúp Ánh Viên được Quân khu 9 đặc cách chuyển em từ công nhân viên quốc phòng sang ngạch quân nhân chuyên nghiệp. Ở tuổi 17, Ánh Viên cũng là thượng úy trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong bảy năm gắn bó với bơi lội, Nguyễn Thị Ánh Viên đoạt hơn 150 huy chương các loại, trong đó hơn phân nửa là các huy chương quốc tế.

Thần tượng Micheal Phelps

“Tám lần nhảy xuống nước, đoạt tám chức vô địch” là kỳ tích được huyền thoại bơi lội Mỹ Michael Phelps thiết lập trên đường đua xanh Olympic Sydney 2000. Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đang ấp ủ một ngày nào đó em sẽ tạo nên kỳ tích đấy giống thần tượng của mình.

Ánh Viên thổ lộ, tấm hình chụp cùng thần tượng Michael Phelps tại Olympic London 2012 chính là kỷ vật mà cô rất yêu quý. Có đặc điểm chung khá ngộ nghĩnh, so với sải tay dài hơn 2 m của Michael Phelps, từ đầu ngón tay trái sang đầu ngón tay phải của Ánh Viên chỉ kém thần tượng Mỹ 4 cm. Sải tay của Viên có thể sẽ dài thêm nếu kình ngư Việt Nam thực hiện chế độ ăn uống và tập luyện nghiêm ngặt như hiện nay.

Ngoài lợi thế trời ban, bí quyết để bơi giỏi được cô gái nhỏ bật mí là cũng phải ăn giỏi. Theo định lượng của chuyên gia dinh dưỡng tại CLB St. Augustine Mỹ - nơi Ánh Viên tập huấn, mỗi ngày cô gái nặng 53 kg này phải ngốn hết hơn 1 kg thịt bò, 1 kg tôm cùng vô số thức ăn gồm tinh bột, rau củ, quả… phụ trợ khác. Số lượng thức ăn đó sẽ được chuyển hóa thành năng lượng sao cho đủ bù đắp khoảng 6.000-7.000 calo tương ứng với chế độ vận động kéo dài 6-7 giờ dưới nước của Ánh Viên mỗi ngày. Thế nên nhiều khi ăn uống đối với Viên cũng trở thành “màn tra tấn” không thua gì các lực sĩ thể hình. Ngoài chuyên gia dinh dưỡng, tại CLB St. Augustine Ánh Viên có hẳn một chuyên gia huấn luyện chuyên về thể lực.

“Ban đầu việc làm quen với chế độ ăn nhiều khó không khác gì các bài tập luyện ở dưới nước”, Ánh Viên cho biết. Trong thời gian 10 ngày ở Myanmar, thực phẩm được đội tuyển bơi lội đem theo có cả 10 kg tôm sú chỉ dành riêng cho kình ngư người Cần Thơ. Ban huấn luyện cho biết đấy là chế độ chỉ dành riêng cho các VÐV được đầu tư đặc biệt.

HLV Ðặng Anh Tuấn nói thêm: “Nếu chỉ bằng lòng với những chiếc huy chương SEA Games, tôi đã không đăng ký thi đấu đến tám cự ly thay vì tập trung vào ba nội dung sở trường của em. Lộ trình mà tôi đang hướng tới cho Ánh Viên là đấu trường ASIAD. Tôi muốn Viên được thi đấu, cọ xát với các đối thủ mạnh để thấy rằng mình còn thua kém họ và phấn đấu. Nếu chúng tôi tiếp tục đi đúng lộ trình, chưa biết màu chiếc huy chương ASIAD sẽ là gì”.

Với Nguyễn Thị Ánh Viên, HLV Ðặng Anh Tuấn không chỉ là một người thầy mà cao cả hơn, em xem ông như một người cha sẽ cùng em đi chinh phục những đỉnh cao mới trong năm 2014.

MINH QUANG

 

Tấn công đấu trường ASIAD 2014

Mặc dù Ánh Viên đoạt 3 HCV, phá hai kỷ lục SEA Games nhưng HLV Đặng Anh Tuấn vẫn không hài lòng về màn trình diễn của cô học trò nhỏ.  Ngoài kỷ lục SEA Games 4’46”16 ở cự ly 400 m hỗn hợp (nhanh hơn 1,73 giây so với thành tích Viên lập tại giải vô địch thế giới), còn lại HLV Anh Tuấn không hài lòng với tất cả thành tích khác lẫn tâm lý thi đấu của học trò ở SEA Games 27.

Giấc mộng vàng ảnh 2
 
 Ánh Viên lập kỷ lục SEA Games nhưng vẫn chưa hài lòng. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Cô bé đã khóc khi kết thúc hai cự ly 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp vì thông số không được như ý thầy lẫn trò mong muốn dù vẫn đủ đưa em lên đỉnh cao Đông Nam Á. Điều khiến HLV Anh Tuấn đau đầu nhất là cự ly 200 ngửa – nội dung sở trường sẽ được bơi lội Việt Nam đầu tư cho Ánh Viên tại Incheon – Hàn Quốc 2014, Ánh Viên bơi mất 2’14”80 (phá kỷ lục SEA Games 2’15”73) nhưng thua xa thành tích tốt nhất 2’11” được em thiết lập tại giải vô địch thế giới ở Barcelona. Nếu đem so kỷ lục châu Á là 2’06”46 do kình ngư Trung Quốc Zhao Jing lập tại ASIAD 2010, thành tích 200 m ngửa của Ánh Viên cũng chưa thể tiệm cận nhưng vẫn nằm trong tốp ba VĐV hàng đầu châu Á.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm