Giải mã kế hoạch ngăn ông Trump tái đắc cử của Trung Quốc

Trang phân tích Tfipost (Ấn Độ) hôm 13-8 đăng bài phân tích cho rằng thái độ “hạ giọng” của Trung Quốc gần đây là kế hoạch của nước này nhằm ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.

Trung Quốc: Lá bài “tái đắc cử” của ông Trump

Cuộc vận động tranh cử tổng thống tại Mỹ đang nóng lên, và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump muốn tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Trump và đảng Cộng hòa đang tranh thủ tinh thần chống Trung Quốc tại Mỹ để giành được phiếu bầu từ cử tri, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng khó khăn do dịch COVID-19, mà ông Trump từng gọi do “virus Trung Quốc” gây ra.

Sau sáu tháng ở thế chủ động công kích ông Trump, đến nay Trung Quốc đã “hạ giọng”. Sự thay đổi thái độ đột ngột của Trung Quốc được các nhà phân tích chính trị coi là một biện pháp nhằm làm ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 này.

Việc ông Trump (trái) tranh thủ tối đa vấn đề Trung Quốc nhằm tái đắc cử đã khiến ông Tập (phải) Bắc Kinh phải thay đổi lại chiến lược. Ảnh: TFIPOST

Thep Tfipost, chính quyền của ông Tập Cận Bình có thể đã hiểu ra rằng đối đầu trực diện với Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc tiếp năng lượng để ông tiếp tục nhắm vào Trung Quốc và điều này rất có lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 73% số người Mỹ trưởng thành có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tăng mạnh so với con số 47% năm 2018.

Tỉ lệ người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc cũng tăng 7% so với thời điểm tháng 3, khi ông Trump chính thức đưa vấn đề Trung Quốc thành trọng tâm của chiến dịch tranh cử.

Tờ South China Morning Post ngày 5-8 đưa tin các nhà ngoại giao Trung Quốc đang kêu gọi đối thoại nhằm không để quan hệ Mỹ-Trung trở nên tồi tệ hơn. Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết nước này “sẵn sàng đàm phán” với các đối tác Mỹ.

Tờ báo khẳng định rằng chỉ trong vòng hai tuần, ông Lạc Ngọc Thành là nhà ngoại giao thứ hai của Trung Quốc gửi đi thông điệp hòa giải, việc này giống như “dội gáo nước lạnh” vào mối quan hệ đang nóng bỏng giữa hai nước.

Gần đây, ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc - cũng kêu gọi cả Bắc Kinh và Washington cần nắm bắt cơ hội để hợp tác.

Kế hoạch ứng phó của Trung Quốc

Những con số thống kê trên có thể đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Trung Quốc, dẫn đến sự thay đổi chiến lược nhanh chóng của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Tfipost.

Hiện tại, Trung Quốc đang bị công chúng Mỹ coi là kẻ gây hấn. Tuy nhiên, chỉ còn ba tháng nữa là đến thời điểm bầu cử tại Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng giữ im lặng để ông Trump thể hiện giống như một kẻ hiếu chiến đang tìm cách sử dụng Bắc Kinh để che giấu những thất bại của mình.

Đối với Trung Quốc, trên thực tế, những tính toán lại khá đơn giản. Nếu ông Trump vẫn nắm quyền, Trung Quốc sẽ phải quay trở lại thực hiện giai đoạn khác trong các thỏa thuận thương mại.

Giai đoạn đầu của thỏa thuận thương mại là gánh nặng quá lớn đối với Trung Quốc đến mức trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 3, Trung Quốc thậm chí đã thể hiện rằng nước này có thể sẽ rút khỏi thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau khi ông Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đe dọa về những hậu quả nghiêm trọng, Trung Quốc đã phải quay trở lại thực hiện những cam kết trong thỏa thuận thương mại.

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Mỹ có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề Trung Quốc. Ông Joe Biden và các thành viên khác của đảng Dân chủ không coi Trung Quốc là kẻ thù và vẫn đang giữ tư duy thời kỳ Chiến tranh Lạnh, coi Nga là kẻ thù lớn nhất của Mỹ.

Trung Quốc cho rằng nếu đảng Dân chủ lên nắm quyền thì quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện, và Trung Quốc sẽ lại có cơ hội và phương tiện để làm cho nước Mỹ suy yếu, theo Tfipost.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa không có quan điểm thù địch với Nga, thay vào đó là Trung Quốc, điều đã được thể hiện trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Và bây giờ, Trung Quốc không muốn tiếp thêm năng lượng cho Tổng thống Trump để tiếp tục công kích Trung Quốc. Đây là một hành động khôn ngoan của Trung Quốc nhưng được đưa ra khá muộn bởi dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành tại Mỹ và ông Trump sẽ không bao giờ từ bỏ vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm