Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và khu vực Abyei.

Giải mã 'Ngoại giao cây tre Việt Nam' - Bài cuối: Giữ vững thành quả, vươn đến hùng cường

(PLO)- “Ngoại giao cây tre” với sự linh hoạt, uyển chuyển giúp Việt Nam tăng trưởng kinh kế, phát triển xã hội vượt bậc sau gần 50 năm thống nhất đất nước.

Tháng 9-1947, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ S. Elie Maissie, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sau khi Việt Nam (VN) giành lại độc lập, VN sẽ làm bạn với tất cả các nước. Sau khi VN thống nhất vào ngày 30-4-1975, dù lịch sử có những giai đoạn thăng trầm, quan hệ quốc tế có nhiều biến động nhưng nguyên tắc ấy vẫn thể hiện rất rõ trong đường lối ngoại giao của VN.

Trong quyển sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao VN toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre VN (ra mắt vào tháng 11-2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh thông điệp ấy. Đó cũng là thông điệp xuyên suốt và nhất quán của lãnh đạo VN trong những lần đón tiếp các nguyên thủ quốc gia khác, cũng như trong các chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài.

P2_Anh-chinh.jpg
Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhân dịp 49 năm ngày Thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2024), cũng là dịp công chúng nhắc đến nhiều về “ngoại giao cây tre”, Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận những chia sẻ của một số nhà ngoại giao quốc tế cùng các chuyên gia xung quanh vấn đề “Ngoại giao cây tre VN” và sự “thay da đổi thịt” của đất nước.

4-Tổng-lãnh-sự.jpg
Từ trái qua: Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Pháp
tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo,
Tổng Lãnh sự Đức tại TP.HCM - TS Josefine Wallat.

Luôn sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước

Tổng Lãnh sự Indonesia AGUSTAVIANO SOFJAN:

Tôi nhận thấy VN đã thành công trong việc duy trì quan hệ ngoại giao hữu hảo với nhiều nước, thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng, đa phương, giữ quan hệ tốt đẹp với tất cả quốc gia, nhất là các nước lớn. VN tích cực tìm cách tăng cường ảnh hưởng ngoại giao, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực thông qua hợp tác và đối thoại đa phương.

lãnh sự indonesia.JPG

Ví dụ, quan hệ VN và Indonesia là mối quan hệ tốt đẹp, được xây dựng trên nền tảng hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Hai nước hợp tác trong các diễn đàn khu vực như ASEAN và có mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ, phát triển. Trong bối cảnh thế giới có căng thẳng địa chính trị, cả hai nước đều ưu tiên đối thoại và ngoại giao, thể hiện cam kết trong việc duy trì và tăng cường quan hệ song phương, đa phương.

Nhìn ở bình diện chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế, VN tích cực hội nhập với thế giới, tham gia các tổ chức quốc tế lớn, chẳng hạn Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác…

Đặc biệt, khi VN gia nhập ASEAN vào năm 1995, tư cách thành viên ASEAN đã mang lại cho VN một nền tảng hợp tác khu vực, hội nhập kinh tế và gắn kết ngoại giao với các nước láng giềng cũng như các cường quốc khác. VN đã đóng vai trò tích cực trong ASEAN, giữ chức chủ tịch các năm 1998, 2010 và 2020. VN tích cực tham gia các tiến trình và sáng kiến do ASEAN lãnh đạo, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường giao lưu nhân dân.

“Việt Nam đã kiên quyết lựa chọn sự cởi mở trong hợp tác và Pháp luôn đánh giá cao điều đó. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần sẵn sàng hành động của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong các diễn đàn của Liên hợp quốc.”

Tổng Lãnh sự Pháp Emmanuelle Pavillon-Grosser

P2_dien-dan-tuong-lai-asean.jpg
Các đại biểu tại lễ bế mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024. Ảnh: TTXVN

Việt Nam cởi mở trong hợp tác, sẵn sàng hành động vì thế giới

Tổng Lãnh sự Pháp EMMANUELLE PAVILLON-GROSSER:

VN đã kiên quyết lựa chọn sự cởi mở trong hợp tác và Pháp luôn đánh giá cao điều đó. Chúng tôi hoan nghênh tinh thần sẵn sàng hành động của VN trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong các diễn đàn của Liên hợp quốc.

lãnh sự pháp.jpg

Với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, VN đã đóng một vai trò tích cực. Pháp và VN chia sẻ quan điểm chặt chẽ về các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển bền vững, y tế và an ninh. TP Đà Nẵng đã chào đón tàu tuần dương Vendémiaire của Pháp cách đây vài tuần, đây là minh chứng về cam kết của Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đối với sự ổn định khu vực và tự do hàng hải ở Biển Đông. Đối mặt với biến đổi khí hậu, hai nước cũng phải tăng cường hợp tác và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo tinh thần của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng

Đến Đại hội XIII của Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; VN là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào tháng 12-2021)

Tổng Lãnh sự Đức - TS JOSEFINE WALLAT:

Ngoại giao của VN đã làm rất tốt việc quảng bá sự phát triển kinh tế ấn tượng mà VN đạt được trong 50 năm qua và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo tôi, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - VN (EVFTA) là một thành công lớn của ngoại giao VN.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975, trong suốt gần 50 năm qua, Đức và VN có mối quan hệ mạnh mẽ. Quan hệ đối tác Đức - Việt đã được nâng lên thành đối tác chiến lược vào năm 2011, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đáng chú ý có lĩnh vực giáo dục.

Tổng lãnh sự đức.png

Tổng Lãnh sự quán Đức chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Đức ngày càng quan tâm đến VN trong việc đầu tư và tuyển dụng lao động có tay nghề. Đây cũng là những chủ đề chính của các chuyến thăm ngoại giao cấp cao trong 12 tháng qua, ví dụ chuyến thăm của tổng thống Đức và lãnh đạo các bang Thuringia, Hạ Saxony tới VN. Chúng tôi rất mong chờ lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới.

Tổng Lãnh sự Nhật Bản ONO MASUO:

Chính sách ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước” của VN đã mang lại sự thịnh vượng ngày nay. Ngoại giao VN đã nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của tình hình quốc tế như sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh... Trong bối cảnh địa chính trị biến động hiện nay, VN vẫn duy trì sự cân bằng, đồng thời tăng cường, mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, bao gồm các cường quốc.

lãnh sự nhật bản.jpg

Nhật Bản và VN có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau về vốn và lao động, chính phủ Nhật Bản cũng bắt đầu tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp VN vào Nhật Bản. Hai nước không chỉ hợp tác về kinh tế mà còn tăng cường hợp tác trong các vấn đề mang tính quốc tế khác, bao gồm an ninh khu vực, môi trường và năng lượng.

Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác song phương với VN, để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới giữa hai nước được nâng cấp vào năm ngoái trở thành mối quan hệ thực sự hiệu quả, đóng góp cho cộng đồng quốc tế.

P3_lien-hiep-quoc.jpg
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam thay đổi đáng kinh ngạc

Tổng Lãnh sự Pháp EMMANUELLE PAVILLON-GROSSER:

VN đã mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1980, cho đến nay VN trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất trong ASEAN. Đó là một điều đáng kinh ngạc. Pháp là một trong những nước phương Tây đầu tiên ủng hộ chính sách cải cách, mở cửa của VN, đồng thời hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ VN phát triển và giải quyết những thách thức toàn cầu.

Trong hơn 30 năm qua, VN đã chứng tỏ khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Minh chứng là khủng hoảng COVID-19 chỉ tác động tạm thời và không gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế VN. Tôi đã tận mắt chứng kiến sức phục hồi kinh tế mạnh mẽ ấy tại TP.HCM khi đến đây vào năm 2021.

Độ “mở” của VN cũng thể hiện trong các lĩnh vực văn hóa và học thuật. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy hằng năm có rất nhiều khách du lịch, sinh viên VN đến Pháp và ngày càng có nhiều công ty của Pháp, mà cho đến nay là hơn 300 công ty, được thành lập tại VN. Thông qua hợp tác, VN sẽ tiếp tục phát triển và đây là mục tiêu chung của hai nước.

......................................

Tổng Lãnh sự Nhật Bản ONO MASUO:

Khi VN thống nhất vào năm 1975, tôi đang học lớp 6. Bài báo trang nhất với những bức ảnh về sự kiện đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi đến hôm nay.

Theo tôi, một trong những yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi của VN trong gần 50 năm qua là Chính sách đổi mới được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản VN vào năm 1986 và khi đó cũng là lần đầu tiên tôi đặt chân đến VN. Nhờ áp dụng hợp lý các cơ chế của kinh tế thị trường, sản lượng nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo đã tăng mạnh. VN đã chuyển đổi từ một quốc gia nhập khẩu lương thực sang một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Hơn nữa, từ những năm 1990, VN đã đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, thu hút viện trợ và đầu tư từ các nước, bao gồm Nhật Bản, tạo nền tảng cho sự phát triển công nghiệp. Trong sự chuyển mình này, tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sự chăm chỉ của người VN đã thúc đẩy sự thay đổi, phát triển của đất nước.

...................................

Tổng Lãnh sự Indonesia AGUSTAVIANO SOFJAN:

Năm 1986, VN đã tiến hành quá trình “Đổi mới”, bao gồm cải cách kinh tế, mở cửa cho đầu tư và thương mại nước ngoài. Điều này đã giúp VN đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc.

Về đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng, VN đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, hình thành những TP hiện đại và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. Điều này đi kèm với các khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng như đường, cầu và mạng lưới viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và kết nối kinh tế. Khả năng tiếp cận Internet cao và sự phát triển của nền kinh tế số đã trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.

Tôi nghĩ rằng những thay đổi tích cực của VN trong 50 năm qua được tạo ra nhờ nhiều yếu tố, từ cải cách kinh tế thành công, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đến quan hệ đối ngoại đa dạng và sự hội nhập ngày càng tăng của VN vào nền kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của VN, xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống của người dân cũng như nâng tầm ảnh hưởng của VN trong khu vực.•

******************

Thích ứng, linh hoạt trước thế giới biến động khó lường

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư tưởng “ngoại giao cây tre” đã nêu bật cách tiếp cận đối ngoại và ngoại giao đặc biệt của VN trong việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. “Ngoại giao cây tre” đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển học thuyết và triết lý chính sách đối ngoại của VN, đặc biệt là trong thời đại được đặc trưng bởi sự không chắc chắn, phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau và dễ bị tổn thương.

Chính sách này cũng nhằm thiết lập quan hệ đối tác đa dạng với các nước lớn, tạo điều kiện mở rộng kết nối thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực quốc phòng, nâng cao uy tín quốc tế, bảo đảm môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước của VN. “Ngoại giao cây tre” đã thể hiện khả năng thích ứng và linh hoạt của VN khi đối phó với tính chất khó lường của các mối quan hệ quốc tế trong suốt thời gian dài…

BỘ NGOẠI GIAO CAMPUCHIA (*)

Mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng rất quyết liệt khi cần thiết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn dắt VN theo đuổi một chính sách đối ngoại rất đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản chất “cây tre VN”, dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng rất quyết liệt khi cần thiết. Chính sự khôn ngoan trong chính sách đối ngoại này đã giúp cho VN luôn giữ vững nguyên tắc tôn trọng độc lập, hòa bình và không can thiệp nhưng vẫn luôn cởi mở và linh hoạt để cải thiện các mối quan hệ quốc tế và tham gia vào mọi lĩnh vực quốc tế. Sự mở rộng quan hệ ngoại giao này đã góp phần giúp VN tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi của quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước của nhân dân VN, cũng như công cuộc gìn giữ hòa bình, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ông EDRE OLALIA, Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế (*)

(*) Lược trích trong từ cuốn Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao VN toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre VN

Đọc thêm