Nói về “Ngoại giao cây tre Việt Nam (VN)”, TS Luận Thùy Dương, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, nhấn mạnh: “Ngoại giao VN kiên định về nguyên tắc, uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn; kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hòa bình thế giới, độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân”.
Ba trụ cột cốt lõi của ngoại giao Việt Nam
. Phóng viên: Theo Đại sứ, nói về “Ngoại giao cây tre VN”, chúng ta cần nhấn mạnh những trụ cột cốt lõi nào trong bối cảnh thế giới biến động như hiện nay?
+ TS-Đại sứ Luận Thùy Dương: Việc dùng hình tượng cây tre VN để làm biểu tượng, mô phỏng bản sắc hoạt động đối ngoại, chính sách ngoại giao VN là vì loài cây này có “gốc vững vàng, thân chắc khỏe và cành lá uyển chuyển”. Gốc vững ở đây nói về thực lực của một nước; thân chắc là nói về nguyên tắc bất biến của lợi ích quốc gia, dân tộc; còn khi cành lá uyển chuyển hàm ý nói phương pháp, cách thức mà VN ứng xử với các quốc gia khác.
. Nhìn vào thực tiễn ngoại giao VN, Đại sứ có thể phân tích sâu hơn về ba trụ cột “gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển”?
+ Khi chúng ta nói “vững ở gốc” tức là nói đến hai vấn đề. Thứ nhất, VN luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa. Đường lối này đã và sẽ tiếp tục mở ra cho đất nước vận hội phát triển mới, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín.
Thứ hai là VN luôn kiên định mục tiêu bất biến là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Những mục tiêu xây dựng và phát triển này của VN cũng cho thấy tính chính nghĩa, sức mạnh của VN vì thượng tôn pháp luật và xu thế tiến bộ của thời đại.
Khi nói “chắc ở thân” tức là nói đến chuyện phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đây là sự kế thừa lịch sử, phát huy văn hóa dân tộc, thể hiện được bản sắc riêng của nền đối ngoại của VN. Đồng thời biết kết hợp sức mạnh đất nước và điều kiện quốc tế thuận lợi để tạo cục diện có lợi cho môi trường an ninh, phát triển của đất nước, xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, còn nguồn lực bên ngoài là quan trọng, cần thiết.
Cuối cùng, khi nói “uyển chuyển ở cành” tức là VN vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và phù hợp với từng đối tác, đối tượng. Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau thì chúng ta có cách ứng xử “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” và “biết dừng, biết biến”.
Vị thế Đảng được nâng cao
. Nói đến ngoại giao VN, không thể không nhắc đến ngoại giao Đảng. Nghệ thuật “ngoại giao cây tre”, trong đó có ngoại giao Đảng đã giúp vị thế của Đảng Cộng sản VN được nâng cao như thế nào trong thế giới đa cực và phân cực như hiện nay?
+ Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản VN được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong việc củng cố các khuôn khổ quan hệ hợp tác ổn định, tạo động lực thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa VN với các nước, giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại lớn.
Ví dụ, quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác của các nước trên thế giới tiếp tục được củng cố thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi lý luận và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương.
Vị thế của Đảng Cộng sản VN trên chính trường ngoại giao đã được nâng cao đáng kể, rất khác so với những năm VN còn bị cô lập, bao vây, cấm vận ở nhiều thập niên trước. Việc lãnh đạo cấp cao nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước lớn, đã nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN sang thăm, làm việc với nước ta, đồng thời mời Tổng Bí thư của nước ta sang thăm chính thức nước họ là những biểu hiện rõ ràng và thuyết phục nhất về vị thế của Đảng ta.
Góp phần tích cực vào dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới
Hội nhập quốc tế phải nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa; quảng bá hình ảnh VN, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
(Theo Nghị quyết 22-NQ/TW
ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị
về hội nhập quốc tế)
Ngoài ra, công tác thông tin về kinh tế đối ngoại, tuyên truyền chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ quốc gia, về vấn đề Biển Đông, các vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, quyền con người… được triển khai trên kênh thông tin đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân theo phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Qua đó, bạn bè quốc tế ngày càng nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về đất nước, con người VN, gia tăng sự ủng hộ với Đảng Cộng sản VN và với đất nước VN.
Bài học giữa thế giới biến động
. Thế giới dường như đang bước vào giai đoạn phân cực, khi sự đối đầu, cạnh tranh, hợp tác đan xen phức tạp. Ngoại giao VN đứng trước thách thức nào?
+ Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, các nước hợp tác, thỏa hiệp, đấu tranh, kiềm chế nhau gay gắt hơn, phức tạp hơn. Cụ thể: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khó lường hơn, nguy cơ xung đột cao hơn. Phân tuyến không rõ ràng, tác động tiêu cực đến tập hợp lực lượng và các xu thế liên kết mới.
Không chỉ những vấn đề an ninh truyền thống (như chạy đua vũ trang, cạnh tranh vũ khí hạt nhân…) mà các vấn đề an ninh phi truyền thống (an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước…) cũng phức tạp, khó lường hơn trước, gây tâm lý lo ngại và căng thẳng trên toàn cầu.
. Trong bối cảnh đó, ngoại giao VN chú trọng vào những bài học gì?
+ Thứ nhất, khi hoạch định sách lược ngoại giao, VN luôn kiên trì chủ trương đẩy mạnh hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Cạnh đó, cần giữ bình tĩnh, sáng suốt đánh giá tình hình, phân tích một cách khoa học, biện chứng, nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức. Cuối cùng, biết hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với trách nhiệm quốc tế và lợi ích của nhân dân thế giới.
. Xin cảm ơn Đại sứ.
Ngoại giao Việt Nam cần nâng cao năng lực dự báo chiến lược
Sự leo thang trong cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ gia tăng áp lực “chọn phe” và làm gia tăng nguy cơ xung đột. Ví dụ, căng thẳng gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, cùng với động thái tăng cường hợp tác quân sự và tập trận giữa Philippines với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Úc, đang tác động nhiều mặt đến ổn định và hòa bình trong khu vực. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng đặt VN vào thế khó khi phải cân bằng quan hệ với ba đối tác chiến lược toàn diện là Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Trước những thách thức này, VN cần nâng cao năng lực dự báo chiến lược để chủ động đối phó với các mối đe dọa an ninh và ngăn ngừa nguy cơ xung đột trong khu vực. VN cũng cần xây dựng các kịch bản cụ thể để ứng phó với khủng hoảng hoặc xung đột, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền, đồng thời điều chỉnh chiến lược phù hợp với tinh thần linh hoạt của “ngoại giao cây tre”.
Để tăng cường khả năng thích ứng và duy trì vị thế trong bối cảnh địa chính trị phức tạp này, VN cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ cường quốc nào. VN cũng cần tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các bên nhằm giảm thiểu căng thẳng và nguy cơ đối đầu trong khu vực.
ThS PHAN XUÂN DŨNG, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak, Singapore); nghiên cứu sinh tại ĐH Quốc gia Úc