Sáng 25-4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Tới dự lễ kỷ niệm có đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao; các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương, địa phương, đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve.
Trong bài phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch, xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Trên nền tảng tư tưởng "nhân nghĩa", ông cha ta luôn coi trọng hoạt động ngoại giao, kết hợp chặt chẽ quân sự với ngoại giao, vừa "đánh" vừa "đàm", kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, tạo nên truyền thống và bản sắc hào khí, hòa hiếu và nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Đó là "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân mà thay cường bạo"; "Dập tắt muôn đời lửa chiến tranh; Mở nền muôn thủa thái bình". Đây là những tư tưởng, triết lý mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.
"Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneve thành công"; ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá "Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc lại.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do thì với Hiệp định Geneve, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", việc ký kết Hiệp định Geneve đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Từ đó, mở ra cục diện chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam nhằm thực hiện trọn vẹn mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiệp định Geneve là thắng lợi mang ý nghĩa thời đại, bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức.
"Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại sự kiện này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định thắng lợi tại Hội nghị Geneve trước hết và quan trọng nhất là nhờ đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu – người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Theo Phó Thủ tướng, thắng lợi của hiệp định Geneve còn là kết tinh của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và bền bỉ của quân và dân ta trong CHÍN năm kháng chiến mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Thắng lợi này còn là kết quả của sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ quý báu của các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Pháp.
"70 năm đã trôi qua nhưng Hiệp định Geneve vẫn để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau" - Phó Thủ tướng phát biểu.
Bà Khăm-phau Ơn-tha-văn, Đại sứ Lào tại Việt Nam, nhìn nhận: Ba nước trên bán đảo Đông Dương là Lào, Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trong quá khứ, nay sẽ lại càng tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ gìn giữ độc lập, tự do dân tộc.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hướng tới hoàn thành mục tiêu của mỗi quốc gia đã đặt ra trong từng thời kỳ; đồng thời góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển, an ninh và hòa bình thế giới.