Sinh thời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi trả lời trên nhiều báo đài, những nhà báo và công chúng yêu âm nhạc luôn nhắc đến tình khúc Dư âm (1950) của ông, trong đó có hình ảnh người con gái ôm đàn khiến ông từng xao xuyến.
Hình ảnh người con gái Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ đã khiến chàng trai tài hoa thương thầm trộm nhớ cho ra đời tình khúc bất hủ Dư âm khi mới 26 tuổi.
Nghe danh ca Tuấn Ngọc thể hiện tình khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (Nguồn: YouTube)
Xung quanh người con gái trong tình khúc Dư âm, nhà báo Hà Đình Nguyên trong bài viết Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Từ “Dư âm” đến “Một khúc tâm tình…” cho biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể về ca khúc Dư âm như sau:
“Thực ra Dư âm không phải là tác phẩm đầu tay của tôi nhưng là tác phẩm tạo nên tên tuổi Nguyễn Văn Tý.
Khoảng năm 1949-1950, tôi là Trưởng đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Tôi có người đồng đội là con nhà gia thế ở vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An). Nhà này có hai cô con gái, cô chị (tôi quên mất tên) khoảng 20 tuổi, còn cô em tên Hằng mới 16 tuổi. Tôi lúc đó 26 tuổi. Gia đình bạn tôi muốn cáp đôi cô chị cho tôi và ai cũng nghĩ chúng tôi là một cặp đẹp đôi…
Một hôm tôi đang say sưa nói chuyện với cô chị thì Hằng lén đến sau lưng chị, tì cằm vào thành ghế chị ngồi, nghiêng đầu đau đáu nhìn tôi bằng đôi mắt đen láy. Một đôi mắt hoàn toàn biết nói. Tôi đọc thấy trong đôi mắt đó đã gởi gắm cho tôi tất cả những gì say đắm, sâu kín nhất… Thấy tôi bỗng nhiên đờ đẫn, cô chị quay lại và… đứng dậy bỏ đi thẳng, Hằng sợ quá cũng lỉnh luôn.
Sau đó tôi bị gia đình này “cấm vận” - không cho liên lạc với cô em. Nhưng…nhớ quá, tôi tới liều. Gia đình không cho tôi vào nhà mà cử anh bạn ra “tiếp” tôi ở một góc sân. Tôi ngồi uống nước ngắm trăng mãi mới thấy nàng tay xách cây đàn ghi-ta ra ngồi bên thềm hoa, xoay lưng về phía tôi. Tóc nàng bay bay trong gió dưới ánh trăng thật đẹp. Rồi nàng cất tiếng hát nhưng vì ngồi xa nên tôi không nghe rõ nàng hát những gì…
Trở về đơn vị, tôi quây tròn tấm cót nứa, đốt ngọn đèn dầu, ngồi ôm đàn lọt thỏm trong đó, viết: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió, đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn”, chỉ trong một đêm là viết xong bản nhạc…
Cuối năm 1957, theo ý của anh Lưu Hữu Phước, tôi đi nghiên cứu dân ca và gặp lại Hằng trong một tình huống bất ngờ. Một chiều khi đến Vĩnh Yên, trời chuẩn bị mưa, tôi ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa. Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một người phụ nữ trong trang phục quân đội đang từ xa đi tới. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa…
Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Không hiểu động lực nào đã khiến tôi hành động như thế, trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng đừng để người ta hiểu lầm tôi vào đây để được gặp người mình yêu…
Năm ấy Hằng đã 24 tuổi và đã có chồng con… Cho nên tôi thường an ủi: “Dù sao thì bây giờ cô ấy cũng đã có chồng có con rồi. Mình yêu làm sao được!”.
Nói thế nhưng kỳ thực là đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ…".
Một số hình ảnh về tình khúc Dư âm: