Tác phẩm nổi tiếng Lôi Vũ của nhà soạn kịch Trung Quốc Tào Ngu kể lại xung đột của một gia đình phong kiến điển hình vào những năm 1930, tái hiện một thời kỳ đen tối, khi mà giai cấp phong kiến bắt tay với tư sản mại bản tạo ra một chế độ xã hội kỳ quái.
Tấn trò đời và những số phận lạc lối
Nhân vật Chu Phác Viên là cậu ấm của một gia đình giàu có, lỡ yêu cô đầy tớ Thị Bình và có con trai tên Chu Bình. Định kiến môn đăng hộ đối đã đẩy người hầu gái đến con đường tự tử cùng đứa con thứ hai chỉ mới ba ngày tuổi. Chu Phác Viên sau đó lấy nàng Phồn Y xinh đẹp, chỉ hơn đứa con chồng bảy tuổi, sinh ra một người con trai tên Chu Xung.
Thị Bình ôm đứa con đỏ hỏn nhảy xuống sông quyên sinh mà không chết, sau đó gá nghĩa với một người cùng khổ tên Lỗ Quý, sinh thêm con gái Lỗ Tứ Phượng. Đứa con thứ hai với Chu Phác Viên lấy họ của cha dượng tên Lỗ Đại Hải.
Hơn 20 năm sau, định mệnh đưa đẩy Lỗ Quý và con gái lại vào làm thuê cho nhà họ Chu, còn Lỗ Đại Hải cũng làm công nhân mỏ đá của Phác Viên. Từ đây, những bi kịch rối rắm liên tiếp xảy ra trong căn nhà quyền thế ngột ngạt và loạn luân đầy tội lỗi.
Cậu hai Chu Bình bị người mẹ kế Phồn Y hừng hực lửa tình quyến rũ và dan díu với nhau suốt một thời gian dài, trước khi Chu Bình đem lòng yêu Lỗ Tứ Phượng. Cả hai yêu nhau mà không hề biết họ là anh em cùng mẹ khác cha. Cậu ba Chu Xung cũng yêu Lỗ Tứ Phượng khiến cho Phồn Y buộc phải gọi Thị Bình lên trả con về. Bi kịch dồn dập xảy ra chỉ trong một đêm giông tố bão bùng đã dẫn đến cái chết thê thảm của Lỗ Tứ Phượng, Chu Xung và Chu Bình, hai người vợ của Chu Phác Viên hóa điên...
Những năm 1990, cả nước có đến năm đơn vị cùng dựng vở Lôi Vũ. Nhưng ăn khách nhất là sàn kịch Lôi Vũ của đạo diễn Hoa Hạ. Dàn diễn viên trẻ mới ngoài 20 tuổi của Sân khấu kịch 5B khi ấy như Hữu Châu, Hồng Vân, Thanh Thủy, Quốc Thảo, Phương Linh, Minh Hải bên cạnh các tiền bối Việt Anh, Thành Lộc, Minh Trang nổi như cồn trong suốt ba năm liền.
Mẹ con Thị Bình và Lỗ Tứ Phượng trong trong phiên bản Lôi Vũ tái xuất. Ảnh: CT
Lửa nghề của một thế hệ diễn viên trẻ yêu sân khấu
Nguyên tác Lôi Vũ của Tào Ngu có tám nhân vật nhưng “nhà phép thuật Ba Ram” sở hữu đến 16 diễn viên. Và với nghệ thuật sắp đặt tài tình, nghệ sĩ Việt Anh đã giúp họ nâng đỡ nhau lột tả đầy đủ qua những sắc thái đa dạng trong diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật.
Mở màn Lôi Vũ 2020 đầy hình tượng với cảnh múa đương đại tái hiện sự bóc lột và thảm sát kinh hoàng ở vùng khai thác mỏ của Chu Phác Viên, giúp khán giả có thể hình dung rõ hơn về bối cảnh xã hội tàn khốc.
Khán giả sẽ rất ấn tượng với một Chu Phác Viên tàn nhẫn và độc đoán qua những cái trừng mắt, gằn giọng đáng sợ của Hồ Minh Mẫn, để rồi dịu lòng chia sẻ hơn với người đàn ông đau khổ, cô độc hoài vọng mối tình 30 năm do Trung Trí diễn đoạn sau.
Phương Thảo nhỏ nhắn vào vai Thị Bình thuộc thành phần dưới đáy xã hội nhưng đầy lòng tự trọng, mềm yếu mà cương nghị tạo điểm nhấn xuyên suốt cho màn đổi vai của Hồ Xuân Trúc giàu biểu cảm khi đổ gục trước tình yêu bi kịch của hai đứa con ruột.
Người đàn bà đẹp Phồn Y đắm say trong tình yêu điên loạn mẹ kế - con chồng với những tiếng cười đắng cay đã giúp Thanh Ngô ghi nhiều điểm cộng. Còn giọng Bắc thú vị của Vân An lúc diễn cảnh Phồn Y quằn quại ghen tuông, khi bi lụy, cuồng nộ chỉ mong có thể sống cuộc đời của chính mình khiến người xem yêu ghét lẫn lộn.
NSND Việt Anh chọn vai Chu Bình cho gương mặt lạnh lùng Ma Ran Đô dễ gây trầm trồ trong khán phòng cùng nét diễn ngạo nghễ, phóng túng, trái ngược với tâm trạng hối lỗi, dằn vặt và chỉ mong trốn chạy do Hoàng Trọng thủ vai.
Khán giả sẽ yêu nhiều Lỗ Tứ Phượng của Lê Phúc Hậu ngây thơ chìm đắm trong tình trường của một cô gái mới 18 tuổi với đài từ truyền cảm.
Cậu ba Chu Xung trong sáng nhất qua diễn xuất của Thái Sơn và Phạm Bình, hay nhân vật Lỗ Đại Hải ngang tàng và nghĩa khí của Trọng Vĩ và Phú Hưng,... sẽ đưa khán giả đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.
Sự thăng hoa của thầy trò đạo diễn Đạo diễn NSND Việt Anh và trợ giảng Ngọc Tưởng đã nhào nặn Lôi Vũ thêm những nét mới lạ hơn so với phiên bản 1988. Vở diễn khó đã buộc các diễn viên trẻ phải dùng hết nội lực, từ thần thái, hình thể, tiếng nói, biểu cảm,... để diễn tả nội tâm của nhân vật. Những hậu bối của thầy Việt Anh đã làm rất tròn trịa. Lôi Vũ chính thức được công diễn lúc 20 giờ thứ Sáu 11-9 tại Sân khấu kịch Phú Nhuận. |