Đĩa hát Sài Gòn quyết định chọn Da vàng làm chủ đề cho đêm nhạc tháng tư - tháng Trịnh ca, bởi ngoài những ca khúc về tình yêu và thân phận, thì tập ca khúc Da vàng được cố nhạc sĩ bắt nguồn cảm xúc từ chính tình yêu thương, khát vọng chống bạo lực và chiến tranh, niềm hân hoan tự tình dân tộc với mong muốn tinh thần đoàn kết và xóa bỏ hận thù.
Ca sĩ Cẩm Vân là giọng ca giàu cảm xúc thể hiện thành công nhiều ca khúc Trịnh Công Sơn được khán giả yêu thích. Ảnh: Ali Bùi.
Dưới từng góc nhìn đa chiều, ông đã xuất sắc khi thể hiện được tiếng khóc nấc bi ai trước những thân phận trong thời chiến, là của một con người quá yêu thương dân tộc mà đau. Từ đó mà những ca khúc nói về chiến tranh quê hương và thân phận người dân trong giai đoạn ấy của Trịnh Công Sơn đã được gọi là “tập ca khúc Da vàng”.
Ca sĩ Thủy Tiên.
Đối với nhiều người, âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành một quyển từ điển về giá trị tinh thần, là người bạn tri âm tri kỷ, là liều thuốc xoa dịu những tâm hồn tuyệt vọng, là sự thấu hiểu giá trị hai mặt của cuộc đời, giữa đẹp và buồn, yêu và đau mà ta có thể cảm nhận qua những sáng tác của ông. Những ca khúc của Trịnh được hát, được yêu, được nhớ là nhờ chúng gắn liền cùng niềm vui và nỗi buồn, cùng vẻ đẹp và đau thương, cùng hạnh phúc và tuyệt vọng của cuộc sống.
Tham gia biểu diễn trong đêm nhạc Trịnh lần này có các nghệ sĩ: Cẩm Vân, Lê Như Ngọc Mai, Minh Anh, Đức Trung, Ngọc Minh, Thủy Tiên và doanh nhân Bích Ngà. Ban nhạc Hoàng Minh tiếp tục đồng hành cùng chương trình, hứa hẹn mang lại những thanh âm tươi mới trong những bản nhạc bất hủ thông qua hệ thống âm thanh tân tiến nhất Sài Gòn.
Ca sĩ Cẩm Vân.
Nhắc đến những giọng ca gắn liền với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không thể thiếu cái tên Cẩm Vân. Cô cho biết bản thân không dám nhận là hát thành công nhạc Trịnh, nhưng luôn tâm niệm là người tiếp nối thế hệ nhạc Trịnh và may mắn được khán giả yêu mến, đón nhận. Cẩm Vân cũng khẳng định: “Riêng với nhạc Trịnh, bản thân người thể hiện phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống mới “đủ vốn” để truyền tải được”. Với lòng yêu thích, mến mộ bởi ca từ mang triết lý sâu sắc ấy mà cô sẽ gửi đến khán giả những nhạc phẩm đậm dấu ấn: Ca dao mẹ, Ướt mi, Xin mặt trời ngủ yên…
Đặc biệt là sự tham gia của nữ ca sĩ Thủy Tiên - cô gái khuyết tật ghi dấu ấn trong hàng ngàn trái tim mê nhạc Trịnh sẽ bộc lộ xúc cảm trong từng nhạc phẩm: Lại gần với nhau, Tình ca người mất trí… Bằng giọng hát mộc mạc, chân chất nhưng đẹp và giàu cảm xúc, cô đã lay động và tiếp thêm niềm tin cho rất nhiều người khuyết tật, vì vậy cô hứa hẹn sẽ là nhân tố khiến khán giả mong chờ.
Ngoài ra, những sáng tác đáng mong đợi như: Nước mắt cho quê hương, Xa dấu mặt trời, Đi tìm quê hương, Hành hương trên đồi cao… sẽ lần lượt được truyền tải qua các giọng ca quen thuộc với khán giả thưởng nhạc phòng trà, hay những gương mặt lần đầu hợp tác cùng chương trình nhưng đem lại đầy sự bất ngờ, chỉnh chu.
Với thông điệp: Sự hiện diện của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thể hiện ở trong thể xác, mà đó là trong nỗi nhớ, trong sự cảm thụ của hàng triệu tâm hồn yêu nhạc Trịnh. Đĩa hát Sài Gòn mong nhận được sự tin yêu, đồng cảm của quý khán giả yêu nhạc Trịnh nói riêng, và dòng nhạc xưa, bất hủ nói chung...
Nhóm Đĩa hát Sài Gòn (Vinyles de Saigon)
Nhóm Đĩa hát Sài Gòn (Vinyles de Saigon) với hơn 20 bạn trẻ thuộc thế hệ 9X có đam mê, yêu thích âm nhạc xưa. Nhóm tổ chức đêm nhạc với mong muốn, trước nhất được thỏa mãn niềm đam mê yêu nhạc, hơn nữa là lan tỏa tình yêu nhạc xưa đến các bạn trẻ ngày nay.
Sau mỗi đêm nhạc, lợi nhuận thu được đều được nhóm kết hợp với quỹ từ thiện “Nụ cười yêu thương” để giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ ở các trung tâm, mái ấm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Trung.
Thông thường, nhóm sẽ tổ chức 1-2 đêm nhạc mỗi năm. Trong bảy năm hoạt động, nhóm đã tổ chức thành công 16 đêm nhạc với các tuyệt phẩm từ những tác giả: Văn Cao, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Phạm Duy... Với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ: Phương Dung, Họa Mi, Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn,…