Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: Trường học không được góp vốn, huy động vốn

(PLO)- Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, trường học không tổ chức các hoạt động góp vốn, huy động vốn tiềm ẩn nguy cơ.

Sáng 29-9, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

TRUONG-KHONG-DUOC-HUN-VON.jpg
Phụ huynh Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tố nhà trường không hoàn trả lại tiền đã vay để đầu tư cho giáo dục. Ảnh: VÕ HÀ

Bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập cho biết, vẫn còn tình trạng trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống tổ chức lớp bán trú vệ tinh, giữ trẻ mầm non, dạy học thêm cho học sinh.

Một số đơn vị chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học (như thực hiện hợp đồng góp vốn đầu tư), chưa hoạt động công đoàn cơ sở, không thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định.

Do đó, theo bà Thư trong năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tập trung quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong tổ chức hoạt động, đồng thời có cơ chế giám sát nhanh thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh, kịp thời hỗ trợ các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Riêng đối với các trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, tin học... phải thực hiện nghiêm việc kê khai và công khai giá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay số lượng giáo viên nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở ngoài công lập chiếm gần 10% tổng số giáo viên toàn TP. Trong đó, chất lượng giáo dục của TP nhiều năm qua, trong đó có các lĩnh vực ngoại ngữ, tin học có sự đóng góp rất lớn của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng giáo viên nước ngoài ký hợp đồng lao động với đơn vị trung gian dẫn đến rủi ro khi kết thúc hợp đồng lao động. Đơn vị không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của trường học. Do đó theo ông Hiếu, hợp đồng dân sự giữa phụ huynh học sinh và chủ trường, chủ đầu tư cần tách rời với hoạt động trường học.

“Hoạt động trường học quy định rất rõ về tổ chức thu học phí, không được chuyển đổi thành các hoạt động hùn vốn, góp vốn, huy động vốn. Những hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn cho công tác quản lý” – ông Hiếu nói và cho biết trường học phải gắn liền với hoạt động chuyên môn dạy và học.

Người đứng đầu ngành GD&ĐT TP cũng cho biết thời gian ổn định của một chu kỳ học tập của học sinh có thể kéo dài 12 -15 năm. Trong thời gian đó, có nhiều biến động về giá cả nên các hợp đồng hợp tác sẽ gây khó khăn cho cả phụ huynh học sinh lẫn cơ quan quản lý.

Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, TP.HCM chuẩn bị có đề án thực hiện chỉ tiêu công trình 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. TP.HCM dự kiến kêu gọi đầu tư 1.500 phòng học từ nguồn xã hội hóa. Vì vậy, TP sẽ ưu tiên tạo điều kiện về đất, cơ chế để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đầu tư vào lĩnh vực giáo dục từ mầm non đến phổ thông.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục ngoài công lập gồm các loại hình. Bao gồm trường tư thục có vốn đầu tư trong nước (Trường THPT và Trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT) với 90 trường. Trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài 21 trường. Trường mầm non vốn đầu tư nước ngoài 27 trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm