Chiều 4-9, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện thu, sử dụng học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và các khoản thu tổ chức các hoạt động giáo dục khác của cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2024-2025.
Nhà trường băn khoăn
Tại hội nghị, vấn đề được nhiều cán bộ quản lý đề cập chính là việc phải làm rõ liệu trường học có phải tổ chức đấu thầu chương trình nhà trường.
Đại diện phòng GD&ĐT huyện Củ Chi đặt vấn đề đối với việc thực hiện chương trình nhà trường về kỹ năng sống, tin học quốc tế, dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, giáo dục STEM liệu trường học có phải thực hiện quy trình đấu thầu. “Vấn đề này hiện đang được các hiệu trưởng quan tâm do sắp bước vào năm học mới” - vị này nói.
Tương tự, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp thẳng thắn bày tỏ: “Các khoản thu trong nhà trường theo luật đấu thầu mới liệu có phải tổ chức đấu thầu? Bởi nếu các trường phải thực hiện đấu thầu thì trong các khoản thu phải có thêm một khoản phí tổ chức đấu thầu, như vậy số tiền sẽ tăng lên”.
Hai vấn đề được ông Thanh đặt ra tại hội nghị là các nguồn thực phẩm cung cấp bếp ăn bán trú và các chương trình do nhà trường tổ chức khác chương trình của Bộ GD&ĐT liệu có phải đấu thầu. “Năm học mới cận kề, vấn đề này cần được làm rõ để phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận ra văn bản các khoản thu” - ông Thanh nói.
Bày tỏ ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức cho hay việc hiệu trưởng được chủ động lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động trong chương trình nhà trường và không phải thông qua đấu thầu là thuận lợi rất lớn.
Năm học 2023-2024, TP Thủ Đức đã thực hiện đấu thầu một số nội dung, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Mặc dù vậy, ông cho rằng khi không phải đấu thầu các nội dung này thì cần có sự thống nhất chung giữa tất cả các ban ngành trong toàn thành phố, với văn bản hướng dẫn chính thức, đồng bộ để phòng GD-ĐT có tham mưu cho UBND TP vì năm học mới đã rất cận kề. Tránh trường hợp trường thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT nhưng khi kiểm toán, tài chính thực hiện kiểm tra thì lại thực hiện chưa đúng…
Trường học không phải tổ chức đấu thầu chương trình nhà trường
Bà Phạm Thuỵ Mai Phương, chuyên viên phòng đấu thầu, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho biết các chương trình nhà trường và nguồn cung cấp thực phẩm cho bếp ăn bán trú tại các trường học không phải tổ chức đấu thầu. Bởi các khoản thu được thực hiện trên nguyên tắc thu đủ chi đủ, thu bao nhiêu đều chi hết cho các hoạt động.
Cũng theo bà Phương, riêng bãi xe và căn tin sẽ phải thực hiện đấu thầu và sẽ có hướng dẫn riêng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay với phát biểu của đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư đã cho thấy các trường học không phải tổ chức đấu thầu chương trình nhà trường và các hoạt động khác. Riêng căn tin, bãi xe các trường phải thực hiện đấu thầu một cách công khai minh bạch.
Liên quan đến việc thực hiện chương trình nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị hiệu trưởng phải xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn đơn vị thông qua hội đồng trường. Về vấn đề này, các phòng chuyên môn phải hướng dẫn chặt chẽ trong quá trình lựa chọn. Ví dụ chọn giáo viên bản ngữ, cán bộ quản lý phải nhận định học sinh đang ở mức độ nào, thời lượng bao nhiêu, dạy giáo trình nào là vừa để các em có phát triển.
Hiệu trưởng phải quyết định và có hồ sơ thông qua hội đồng trường để đảm bảo hội đồng trường có thể giám sát bất cứ lúc nào việc thực hiện nghị quyết của hội đồng trường trong hoạt động chuyên môn.
“Chương trình nhà trường không phải là chương trình bắt buộc do đó tính tự nguyện phải được đặt lên hàng đầu. Năm học này Sở GD&ĐT sẽ lắng nghe tình hình từ báo chí phản ánh, ở nơi nào có hiện tượng không lấy ý kiến phụ huynh, chưa có sự đồng thuận về thực hiện các chương trình nhà trường đã bố trí lớp, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm” - ông Hiếu nhấn mạnh.