Giám sát chặt các khoản tài trợ giáo dục

(PLO)- Các đại biểu lưu ý Sở GD&ĐT TP.HCM cần phải quản lý chặt các khoản tài trợ cho giáo dục, tránh tình trạng dù tự nguyện nhưng lại mang tính bắt buộc và cần đa dạng nguồn vận động tài trợ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-3, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2022-2023.

Tại buổi làm việc, vấn đề thu kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) theo Thông tư 55 cũng như thực hiện vận động tài trợ theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT lại tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập.

Tránh hình thức tự nguyện nhưng mang tính bắt buộc

Bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho biết qua khảo sát, khoản thu vận động tài trợ hay thu quỹ hoạt động CMHS lớp mỗi trường mỗi kiểu.

Bà Nga kiến nghị Sở GD&ĐT TP nên quan tâm thêm về vấn đề này và có hướng dẫn để các trường thực hiện đúng theo thông tư.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tương tự, bà Trần Hải Yến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, chia sẻ việc đóng góp của phụ huynh HS đối với các hoạt động giáo dục là cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo được sự đồng thuận, đừng đè thêm gánh nặng lên vai họ và phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Việc vận động tài trợ được thực hiện để trang bị đồ dùng phục vụ dạy học, thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, cải tạo sửa chữa xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục; hỗ trợ các hoạt động giáo dục khác. Đặc biệt, các trường không được vận động tài trợ để chi trả thù lao giảng dạy cũng như các khoản chi phí liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường.

NGUYỄN THỊ THU NGUYỆT, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT TP.HCM

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, nhấn mạnh việc khuyến khích phụ huynh đóng góp, các doanh nghiệp, đối tác tài trợ cho hoạt động giáo dục là tốt. Tuy nhiên, phía Sở GD&ĐT phải quản lý chặt chẽ vấn đề này. Mức vận động không nên quá cao so với mặt bằng chung. Đặc biệt, khi phê duyệt kế hoạch tài trợ, Sở GD&ĐT phải có sự rà soát.

“Tránh trường hợp dù mang tiếng tự nguyện nhưng thực tế lại bắt buộc” - ông Bình nói.

Ông Bình dẫn chứng qua khảo sát tại một đơn vị thì 90% nguồn tài trợ vận động đến từ phụ huynh. Trong khi đó theo quy định của Thông tư 16, việc tài trợ phải đến từ các tổ chức khác nhau.

Tìm hiểu sâu hơn vào biên bản do trường lập ra, lại có quy định mức tài trợ tối đa đối với từng HS theo từng nhóm khác nhau. Điều này vô hình trung lại đè thêm gánh nặng cho phụ huynh.

Mặt khác, cũng theo ông Bình, hiện nay liên quan đến việc thu kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS trường, do sợ dư luận nên nhiều trường không dám thu. Đơn cử, tại quận 1, 50% các trường không thu khoản này. Tuy nhiên, khi khảo sát một trường, dù không thu quỹ ban đại diện CMHS trường nhưng quỹ ban đại diện CMHS lớp lại thu. Vấn đề này sở nên có hướng dẫn để các trường thực hiện.

Mở rộng đối tượng vận động tài trợ

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết hằng năm Sở GD&ĐT đều có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc tiếp nhận tài trợ cũng như kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS.

“Việc tiếp nhận tài trợ phải đảm bảo trên nguyên tắc tự nguyện, công khai và minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân cũng như không quy định mức tài trợ tối thiểu. Đặc biệt không lợi dụng việc tài trợ ép buộc đóng góp” - bà Nguyệt nhấn mạnh.

Mặt khác, trong các văn bản, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cần mở rộng đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn không tập trung vào đối tượng phụ huynh HS.

“Đặc biệt khuyến khích các nhà tài trợ thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay. Văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM cũng khuyến khích các đơn vị thực hiện theo hình thức trên” - bà Nguyệt bộc bạch.

Nói rõ hơn về việc huy động nguồn lực tài trợ cho giáo dục, bà Nguyệt cho biết đầu năm học thủ trưởng các trường tiểu học, THCS phải lập kế hoạch vận động tài trợ gửi về Phòng GD&ĐT, còn THPT gửi về Sở GD&ĐT để thẩm định từ đó có quyết định phê duyệt. Trên cơ sở đó phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn để rà soát kế hoạch tài trợ của đơn vị qua các năm xem có hạng mục nào trùng lắp, dự án nào mới, từ đó mới phê duyệt.

Đặc biệt, hằng năm khi đi kiểm tra quyết toán tài chính tại các đơn vị, sở đều có kiểm tra việc quản lý và sử dụng các tài khoản hỗ trợ theo Thông tư 16. Đơn vị nào trực thuộc sở chưa triển khai đúng sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh.

Trường học phải đa dạng các kênh thanh toán học phí

Tại buổi làm việc, trước phản ánh những bức xúc của phụ huynh liên quan đến việc thanh toán tiền học phí,Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ: “Tôi cũng đang bức xúc về vấn đề này. Nhiều phụ huynh chia sẻ, đóng tiền học phí đối với trường này không tính phí trong khi trường kia lại mất mười mấy ngàn”.

Vì thế, ông Hiếu cho biết đã đề nghị phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các ngân hàng khi tham gia phải công khai mức phí. Các trường phải lựa chọn đối tác phù hợp và phải có sự đồng thuận với phụ huynh, mức phí vừa phải.

“Trường học phải đa dạng các kênh thanh toán học phí, trong đó phụ huynh có thể chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản nhà trường” - ông Hiếu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm