Trường học ở TP.HCM “rụt rè” với các khoản theo thỏa thuận

(PLO)- Vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố dư luận... nên một số trường học không thực hiện thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hai ngày 21 và 22-3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã khảo sát về các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2022-2023 tại Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1 và Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn.

Một giờ học của học sinh Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Một giờ học của học sinh Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Không thu quỹ Ban đại diện CMHS trường

Tại Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, ông Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong nhiều năm qua, nhà trường không thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trường. Việc tài trợ của mạnh thường quân và phụ huynh được thực hiện theo kiểu “chìa khóa trao tay”.

Liên quan đến việc quản lý tài sản được tài trợ, ông Huệ cho hay nhà trường không vận động tài trợ theo công trình. Phụ huynh các lớp sẽ đầu tư máy lạnh, máy chiếu, tủ để vật dụng và bàn giao cho trường. HS sẽ được sử dụng trong suốt thời gian học ở trường.

“Đối với công tác xã hội hóa, trường mới chỉ thực hiện đối với các mạnh thường quân, chưa triển khai tới đông đảo phụ huynh” - ông Huệ nói.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, các lớp được chủ động trong việc thu quỹ Ban đại diện CMHS. Trước khi thực hiện, Ban đại diện CMHS lớp phải xây dựng kế hoạch, dự trù mức thu, mức chi, kể cả vấn đề đóng góp cho cơ sở vật chất của lớp và báo cáo rõ tại các buổi họp phụ huynh.

Hơn nữa, nhà trường cũng có yêu cầu việc xây dựng kế hoạch vận động quỹ Ban đại diện CMHS lớp không chia đều mà theo sự đóng góp tự nguyện, khi đó những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ không phải đóng.

Tương tự, tại Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, nhiều năm qua nhà trường cũng không thu quỹ Ban đại diện CMHS trường.

“Chúng tôi không dám triển khai vận động gì. Những ngày lễ, tết của trường, các anh chị trong ban chấp hành tự bỏ tiền túi để mua hoa chúc mừng.”

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, việc tài trợ cơ sở vật chất cho trường theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT cũng không được triển khai. Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng cũng như Ban đại diện CMHS về Thông tư 55 và Thông tư 16. “Qua buổi tập huấn đó, tôi thấy có khi mình đã sai vì có thông tư mà không thực hiện” - bà Hằng nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Ban đại diện CMHS trường, chia sẻ ban đại diện ngại cái nhìn không hay từ dư luận “Ban đại diện CMHS là cánh tay nối dài thu tiền của nhà trường” nên không dám mạnh dạn thực hiện các hoạt động.

“Vì lý do trên nên trong năm qua, hoạt động của ban chưa hiệu quả. Chúng tôi không dám triển khai vận động gì. Những ngày lễ, tết của trường, các anh chị trong ban đại diện tự bỏ tiền túi để mua hoa chúc mừng. Mới đây, Phòng GD&ĐT huyện tổ chức tập huấn cho Ban đại diện CMHS khiến chúng tôi hiểu rõ được nhiều điều” - ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong điều kiện ngân sách có hạn, cần sự chung tay của phụ huynh để góp phần đưa cơ sở vật chất và môi trường giáo dục đi lên. Do đó, dư luận cần có cái nhìn khách quan, công bằng hơn về vai trò và những nỗ lực của Ban đại diện CMHS.

Ông Thành kiến nghị Sở GD&ĐT TP.HCM sớm ban hành cẩm nang hoạt động của Ban đại diện CMHS để mọi người có thể hiểu và từ đó triển khai đúng.

Trước thực tế ngân sách được chi và nhu cầu thực tế của HS, nhà trường cũng mong nhận được sự chung tay từ phụ huynh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, khi có phản ứng trái chiều từ phụ huynh, nhà trường e ngại nên chưa thực hiện được việc tài trợ.

Bà NGÔ THỊ THẢO VY, kế toán Trường THCS Tô Ký

Hiểu rõ, làm đúng

Bà Lê Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho biết ngoài các khoản thu quy định, báo cáo cho thấy nhà trường còn e dè trong khoản thu thỏa thuận từ CMHS.

“Tôi mong nhà trường tiếp tục nghiên cứu hai thông tư 55 và 16 để mạnh dạn triển khai. Bởi hiện nay ngân sách nhà nước khó có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục. Do đó, nếu có sự chung tay của phụ huynh, HS sẽ được chăm sóc và có môi trường học tốt hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên” - bà Nga nói thêm.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng Thông tư 55 không cấm việc thu quỹ Ban đại diện CMHS, tuy nhiên vấn đề cần phải hiểu để thực hiện cho đúng. Bởi thực tế, nếu nhà trường vì áp lực không tổ chức thu quỹ cũng như triển khai việc kêu gọi tài trợ sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho HS cũng như giáo viên của trường.

Hơn nữa, một vấn đề đặt ra là nhà trường không thu quỹ Ban đại diện CMHS nhưng ở lớp lại tổ chức thu, mỗi lớp thu mỗi kiểu với mức giá khác nhau sẽ dẫn đến sự phân biệt giàu nghèo trong cùng một trường. Do đó, nếu nhà trường không nắm, quản lý không kỹ sẽ gây hệ lụy lớn, đẩy gánh nặng lên đầu phụ huynh.

Liên quan đến mô hình “chìa khóa trao tay”, ông Bình góp ý cần phải xem xét và có hướng dẫn cụ thể. Bởi nếu mạnh thường quân thực hiện trao cho nhà trường thì không sao. Trong trường hợp Ban đại diện CMHS lớp trang bị cho nhà trường thì cần phải xem lại, có thể sẽ có sự chồng chéo giữa Thông tư 55 và Thông tư 16.•

TP.HCM muốn có mức trần các khoản thu dịch vụ giáo dục

UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND TP.HCM về đề nghị xây dựng nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2023-2024. Hoạt động giám sát các trường nhằm đánh giá lại tác động của các quy định đang triển khai, từ đó có thêm đề xuất xây dựng khung mức thu phù hợp thực tế.

Kỳ họp HĐND TP.HCM tới đây (tháng 7-2023), dự thảo nghị quyết quy định các khoản thu sẽ được đưa ra lấy ý kiến để kịp thời ban hành và áp dụng từ đầu năm học 2023-2024.

Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm