“Trong vụ án ly hôn, người nộp đơn xin ly hôn phải nộp tạm ứng án phí 200.000 đồng. Nếu ly hôn thành, án phí ly hôn là 100.000 đồng và cơ quan thi hành án (THA) phải trả lại cho đương sự 100.000 đồng đã nộp tạm ứng trước đó. Hành trình THA loại việc này vô cùng gian nan” - ông Ngô Đình Tô, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết.
Năn nỉ cũng không ai đến nhận 100.000 đồng
Ông Ngô Đình Tô cho hay cơ quan ông rất đau đầu với loại việc THA này, nhất là khi Nha Trang có lượng án ly hôn lớn (có thời điểm chiếm tới 1/4 số lượng việc phải THA). “Thủ tục hoàn lại 100.000 đồng này cũng không khác gì thủ tục hoàn lại 100 tỉ đồng. Có khác chăng THA phải năn nỉ mời họ đến nhận lại tiền nhưng đương sự không quan tâm, không thèm tới nhận” - ông Tô nói.
Kể về việc xử lý hồ sơ dạng này, ông Hồ Văn Mai, chấp hành viên Chi cục THA dân sự TP Nha Trang, cho biết việc đầu tiên là chấp hành viên phải mời đương sự đến nhận lại tiền. Mời không đến thì gọi điện thoại… năn nỉ. Nhưng mọi việc không dễ dàng, có người không liên lạc được, có người nói: “THA muốn làm gì thì làm, tôi không lên. Tôi không thể nghỉ việc để đến lấy 100.000 đồng được, Nhà nước lấy luôn đi”.
Ông Mai cho biết tỉ lệ người không tới nhận lại tiền rất cao, tới 98%. “Một số đương sự ở xã đảo thì khỏi nói, không ai rảnh và bỏ tiền thuê tàu, ghe vào đất liền chỉ để nhận lại 100.000 đồng, nếu là mình thì mình cũng không đi. Xử lý việc ở nơi này thường phải nhờ chính quyền địa phương, nhờ thôn trưởng vận động. THA phải có một công văn gửi thôn trưởng nhờ họ động viên đương sự tới nhận tiền. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công rất thấp. Dù vậy chúng tôi vẫn phải làm để có đầy đủ thao tác, tài liệu lưu vào hồ sơ” - ông Mai kể.
Đến tận nơi để… thối lại tiền án phí
Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Khánh Hòa, cho biết khó khăn nêu trên đã được các địa phương báo cáo về Tổng cục THA dân sự. Để gỡ vướng, Tổng cục đã cho phép chấp hành viên mang tiền tới tận nhà đương sự, kế đó lập biên bản giao nhận tiền, ghi lại số CMND của đương sự, mời tổ trưởng tổ dân phố đến xác nhận…
“Cực ghê lắm! Có nhiều lúc xuống hai, ba lần mới thối lại được 100.000 đồng cho họ. Nhưng cực mấy cũng phải làm, bởi nếu đương sự không nhận tiền, THA không xử lý được hồ sơ thì thành án tồn. Tồn hồ sơ loại này rất khó chịu, vì nó không đáng để tồn, cuối năm không hoàn thành chỉ tiêu chỉ vì hồ sơ 100.000 đồng. Ở đây hầu như chấp hành viên nào cũng bị ảnh hưởng thi đua chỉ vì loại án 100.000 đồng này, trong khi chấp hành viên không hề có lỗi” - chấp hành viên Hồ Văn Mai bức xúc.
Ông Mai cho biết thêm: Trường hợp đương sự ly hôn xong rời khỏi địa bàn cư trú, nếu có địa chỉ cụ thể thì ủy thác. Còn với những người thuê nhà, sau khi ly hôn họ đi đâu mất tiêu, không thể nào tìm được địa chỉ để thối lại tiền hay để xác minh, chuyển hồ sơ đó sang án chưa có điều kiện thi hành.
Nên sửa mức tạm ứng hoặc nâng mức án phí
Để giải quyết triệt để việc này, ông Hồ Văn Mai đề xuất hai hướng giải quyết: Hoặc quy định mức tạm ứng án phí đối với án hôn nhân gia đình giảm còn 100.000 đồng, hoặc nâng mức án phí ly hôn lên 200.000 đồng (để khỏi còn dư, khỏi phải thối lại).
Ông Mai cho biết sở dĩ phải nộp tạm ứng án phí 200.000 đồng vì đây là mức tạm ứng thấp nhất đối với án phí không có giá ngạch (án có giá ngạch là đóng tạm ứng theo tỉ lệ phần trăm so với giá trị tài sản tranh chấp - PV). Do vậy, nếu muốn nộp tạm ứng 100.000 đồng thì buộc phải sửa quy định về mức tạm ứng án phí đối với án không có giá ngạch.
“Nhà nước biết trước đằng nào cũng chỉ thu được 100.000 đồng, vậy sao không yêu cầu chỉ phải nộp tạm ứng án phí 100.000 đồng thôi. Nếu quy định như vậy, chấp hành viên chỉ cần ba phút là xử lý xong một hồ sơ. Nộp tạm ứng 100, phải nộp 100, chuyển sang xóa hồ sơ. Còn trường hợp bị ràng buộc bởi giá ngạch thì nâng án phí ly hôn lên 200.000 đồng, mỗi người 100.000 đồng. Tóm lại làm sao để đừng phải trả lại nữa. Trước đây án phí hôn nhân gia đình đã từng quy định là 200.000 đồng rồi, sau không hiểu sao lại sửa giảm xuống thế này” - ông Mai nói.
Tốn 500.000 đồng để sung công 100.000 đồng Nếu đương sự không chịu nhận lại 100.000 đồng thì sung công quỹ có đơn giản không? Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Khánh Hòa, cho biết để sung công được số tiền này thì trong năm năm liên tiếp (trước đây là ba năm - PV) THA liên tục phải báo hồ sơ tồn. Chấp nhận tồn hồ sơ năm năm đã là một thiệt hại cho cơ quan THA, vì hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì đã bị kỷ luật rồi. “Để sung công quỹ được 100.000 đồng, THA phải tốn khoảng 500.000 đồng chi phí mới hoàn tất được thủ tục, nào là niêm yết tại nơi người đó ở, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng…, rất nhiêu khê” - ông Anh nói. |